Có một Lời Hoan Ca trong tôi ( Bài bình thơ của Linh Xuân )
Xoay quanh bài thơ “Lời Hoan Ca” của tác giả Nguyễn Hải
Đón nhận “Lời Hoan Ca”
“Lời Hoan Ca” là tâm sự chán chường, u uất của kẽ sĩ trước thời cuộc muốn thoát ly khỏi cái xã hội thực tại tầm thường. Đó là cái xã hội người ghanh ghét người, thế nhân chìm đắm trong tham, sân, si hận không thoát ra được và hỷ - nộ - ái -ố cứ mãi đeo bám đời sống. Chán ngán cảnh sống trói buộc vào đồng tiền, danh vọng thực tại; kẻ thi nhân muốn bay vút cao xa lánh thế sự đảo điên và vòng bi lụy của nhân thế để thỏa thích niềm đam mê…
Thuyền ta chao đảo dưới cung trăng
Bỏ lái xuôi dòng theo gió phăng
Tiếng sóng hô vang đời loạn lạc
Cùng niềm hưng phấn ám Cô Hằng
Mở đầu bằng giọng thơ hào sảng, tác giả thật tài tình khi vẻ lên hình ảnh một con thuyền chao đảo dưới trăng để rồi kẻ sĩ lãng mạn, tài hoa đã cùng thuyền ra khơi, cùng con sóng hò reo. Con sóng cũng như hiểu tâm tình của kẽ sĩ nên đã cùng hát ca với kẻ sĩ…hát những bài hát đau khổ. Dù vậy nhưng những kẻ ra khơi vẫn mang theo tâm trạng hứng khởi khi song hành là Cô Hằng kiều diễm.
Một lũ lênh đênh ngoài biển xa
Mênh mông trôi nổi, đâu là nhà?
Nhà ta ở tận đất đau khổ
Thôi hãy ngồi đây mà hát ca.
Là kẻ sĩ lênh đênh, vô định; là những kẻ chán ngán thực tại khổ đau tất cả đã cùng bộc bạch tâm sự chán chường. Kẻ sĩ có nhà, nhưng ở tận đất đau khổ nên ngán ngẫm chẳng muốn về nữa. Thông thường mái nhà chính là trốn bình yên nhất cho mỗi chúng ta quay về mỗi khi hứng chịu phong ba bão tố, nhưng ở đây những kẻ sĩ lại chẳng muốn về lại ngôi nhà của mình. Phải chăng ngôi nhà mà những kiếp lữ thứ ấy chán ngán đó là ngôi nhà cuộc đời, là nhân thế lắm dâu bể? đau đáu niềm tâm sự để rồi phó mặc cho sóng vỗ thuyền lênh đênh, kẻ sĩ lãng mạn cứ mặc cho thế sự thế nào vẫn cùng sóng, cùng trăng ca hát:
Ta hát lời yêu với cuộc đời
Ta đem dấy loạn đến rong chơi
Ta cười nghiêng ngã trên dâu bể
Ta nhấn buồn đau xuống biển khơi.
Kẻ sĩ hát ca những lời yêu thương với cuộc đời và ngạo nghễ cười dù là một cái cười trong đau khổ. Vậy thật ra đó có phải là cái cười hay chính là nước mắt của kiếp tha nhân? Đời dâu bể thì sao có thể cười?phải chăng đó là những tràng “cười ra nước mắt?”. thế ấy mà những kẻ sĩ vẫn cười mà còn cười trong ngạo nghễ, trong sảng khoái, nghiêng ngã. Lòng kẻ sĩ đã muốn vứt bỏ cái nỗi niềm riêng đau đáu bằng hành động “nhấn buồn đau xuống biển khơi” để thấy tâm thế muốn thoát ly cao độ rồi.
Lòng ta khởi nghĩa tự bao giờ
Danh vọng hôm nay ta ngó lơ
Ngạo nghễ trên môi đêm rượu cạn
Cuộc vui tuyệt đích đọ vần thơ.
Những con người ra đi để thỏa thích niềm đam mê ấy đã không còn quyến luyến nhân thế nữa. Danh vọng chỉ như giọt nước vô hình không làm kẻ tha nhân có chút bận lòng. Niềm vui của kẻ sĩ chỉ là hơi men, là rượu cạn uống đến mềm môi trong đêm và là những câu thơ mà những kẻ sĩ cùng đối đáp với nhau. Đó là niềm vui tuyệt đích mà thi gia hướng đến chứ không như thế sự hiện tại chạy theo đồng tiền và thấy vui sướng khi đạt được tham vọng danh vọng. Kẻ sĩ lãng mạn như đã thoát được cái vòng bi lụy cuộc đời. Càng say con thuyền càng theo sóng tìm đến với bình yên.
Lã lơi tìm đến xứ vô biên
Bỏ lại nhân gian, lạc Nước Tiên
Nhân thế chẳng gì ta luyến tiếc
Đánh tan sầu hận những ưu phiền
Con thuyền cứ tiếp tục ra khơi và nơi mà con thuyền hướng đến là một nơi ở vô biên. Đó chính là chốn tiên cảnh. Nhân gian lắm đau thương và không còn gì để kẻ sĩ luyến tiếc nữa nên thôi thì đánh tan sầu hận, hóa giải ưu phiền để vui thú bồng lai tiên cảnh.
Lũ chúng ta trôi theo gió sương
Nhện giăng khối mộng một làn hương
Mê si lòng ngỡ mùi con gái
Đắm đuối tìm Nàng xin chút thương
Ta hôn cánh gió, ngắm trăng xinh!
Khóe mắt nào đây vẫn gợn tình
Ta ngủ mà nghe trong tiếng thở
Chiêm bao chớ mộng thuở băng trinh
Cứ ngỡ sẽ thoát được để tìm đến chốn bình yên vô thường, nhưng thực tại thì nào thoát được đâu. Trong hơi men, trong ngất ngưỡng mủi con thuyền lòng kẻ sĩ vẫn nghe “mùi con gái” khi có làn hương đâu đó thoảng qua…nên cái niềm day dứt vẫn đeo mang kiếp đời kẻ sĩ. Kẻ sĩ muốn thoát ly mà vẫn còn vướng víu nhân gian bởi tình yêu, bởi sắc đẹp. Tận sâu trong tim vẫn khao khát yêu thương say đắm và trong khóe mắt tình yêu vẫn tràn trề nhựa sóng. Vậy thử hỏi làm sao có thể thoát được đây? Anh hùng khó qua ải mỹ nhân là vậy. Trong giấc ngủ vẫn mơ về một dáng dấp diễm lệ nào đó vẫn khát khao yêu thương cháy bỏng. Thật không gì đau hơn thế với một kiếp kẻ sĩ. Một kiếp tha nhân xem nhẹ danh vọng và chán ghét thực tại đau khổ, muốn thoát ly khỏi cái cõi vui, buồn, yêu, ghét. Trong cơn say đã theo thuyền ra khơi và ngỡ sẽ đạt thành tâm nguyện. nhưng đến cuối cùng lại phải nghe đôi chân rả rời trước giấc mộng đôi lứa và đã không thể thoát ly hoàn toàn được. kiếp tha nhân vẫn ra đi nhưng đấy là những bước chân nặng nề, quyến luyến…
Tạm biệt trần gian chiều khói buông
Ta đi với một ánh trăng suông
Mặc đời lữ thứ nặng chân bước
Cho thỏa đam mê họa nét cuồng .
Có thể nói cái khổ thơ kết là khổ thơ đẹp nhất trong Lời Hoan Ca với những vần “uông” sóng bước. Theo ánh trăng con thuyền vẫn trôi đi trong lặng lẽ mặc dù những kiếp đời lữ thứ đã nghe chân nặng nề khó bước. Vì thỏa chí trai, thỏa ước nguyện tự do tìm đến khát vọng và đam mê mà những kiếp đời vẫn ra đi đấy thôi…nhưng tận sâu trong lòng đã nghe lửa yêu rạo rực và mệt mỏi khi cứ đi mà vẫn thấy hoài công. Kẻ tha nhân vẫn đi đấy vì một chữ ngông mà thôi. Nếu quay lại thì sẽ nhìn thấy thế sự đảo điên còn ra đi thì dù lòng có quyến luyến thì phần nào cũng thỏa lòng những kẻ tha nhân luôn khát khao thoát tục. nhưng chốt lại vẫn là một nỗi niềm canh cánh vì kẻ sĩ lãng mạn sẽ không thể dứt bỏ và thoát ly thế tục được.
Bài thơ thật đẹp nhưng đó là một tâm sự buồn của những kiếp tha nhân, của những kẻ chán ngán thế tục và muốn thoát ly. Mộng mơ cho nhiều lắm, khát khao cho nhiều lắm và cuồng ngông cho nhiều lắm rồi kẻ sĩ cũng phải ôm hận vì không thể đạt thành nguyện vọng. dù kẻ sĩ có trút được hết bao nhiêu gánh nặng cuộc đời thì cũng không thể nào thờ ơ với tình yêu được.
Mỗi người đều tồn tại 5 khát vọng đó là tài, sắc, danh, thực, tùy. Một khi có thể trút đi được 5 khát vọng đó thì có thể sống kiếp bồng lai. ở đây những kẻ sĩ đa tình đã xem nhẹ tiền tài, bỏ qua danh vọng, đói rách vẫn cười ngạo nghễ, thức trọn đêm dưới ánh trăng cùng với bầu rượu ấm mềm môi tức đã xem nhẹ 4 khát vọng của người đời. chỉ riêng “giấc mộng thuở băng trinh” vẫn làm kiếp tha nhân quyến luyến thì rỏ ràng khát vọng thoát tục vẫn chưa thể toại nguyện.
Nghệ thuật: ẩn dụ và miêu tả, thi từ mang nét riêng độc đáo nhưng cũng chút cổ điển. thể thơ thất ngôn trôi trải, cuốn hút.
Cảm nhận tâm ý thi nhân gửi Lời Hoan Ca:
Tác giả thi nhân cũng giống như những kiếp tha nhân lưu lạc, mong tìm kiếm một sự thoát ly giữa chốn đời dâu bể giả dối. Chính tác giả cũng là một kiếp tha nhân, cũng chán ngán thực tại đau khổ muốn tìm bình yên chốn Nước Tiên. Nhưng rỏ ràng tác giả cũng như những kiếp tha nhân ấy, dù có trút được bao nhiêu gánh nặng, bao nhiêu khát khao, bao nhiêu cái thế sự ở đời thì tác giả cũng chỉ là một con người. Con người thì phải có tình yêu và khát khao được yêu, người là phải đến với người, cô đơn sẽ làm đời người héo hắt… nên vẫn quyến luyến thế sự, vẫn thấy bước chân nặng nề mỏi mệt khi nghĩ về giấc mộng đôi lứa. Tác giả thi nhân đến cuối cùng vẫn phải bất lực và nhường lại ý chí thoát ly đời cho một kẻ ngông khác vì tác giả thi nhân thật sự không thể thoát ly được.
Phải vậy không hỡi thi nhân Nguyễn Hải?
Nguyễn Hải_một Vũ Hoàng Chương thứ 2
Nếu ai đã từng đọc, từng yêu thơ Vũ Hoàng Chương của một thế kỷ trước sẽ thấy thật bất ngờ khi bắt gặp lại hình ảnh thi nhân ấy, tâm thế của thi nhân ấy qua “Lời Hoan Ca” của tác giả Nguyễn Hải.
Ít có thi nhân nào trong văn đàn Việt Nam gọi Hằng Nga là Cô Hằng, thế mà cách nhau một thế kỷ Hoàng Chương và Nguyễn Hải đã gặp nhau bởi nét tương đồng ấy. nếu trong “Chân Hứng” Vũ Hoàng Chương
“Nhẩy xuống muôn trùng sông quạnh quẽ
Đem theo chân hứng gửi Cô Hằng”
Hay trong “Tối Tân Hôn”,
“Do dự mãi, đêm nay rời xứ Mộng
Ta chiều em, bỏ cánh lại cung Trăng
Lén bước xuống thuyền mây chờ cửa động
Vội vàng đi, quên giã biệt cô Hằng”
…thì ở Lời Hoan Ca, tác giả Nguyễn Hải cũng “Cùng niềm hưng phấn ám Cô Hằng”
Một nét ngông cuồng nhưng dí dõm dẫn Hoàng Chương và Nguyễn Hải đồng âm.
Nguyễn Hải cũng như Hoàng Chương đều là 2 hồn thơ “ngông”. Ngông chính là làm những chuyện khác với lẽ thường, khác với mọi người xung quanh mình. Trong văn học, ngông chính là biểu hiện của ngòi bút có cá tính mạnh mẽ, bất hòa sâu sắc với xã hội đương thời, không chịu gò ép mình trong khuôn khổ chật hẹp của lễ nghi, lề thói thông thường. Hoàng Chương và Nguyễn Hải cách nhau một thế kỷ, một thời đại, một hoàn cảnh xã hội nhưng vẫn hội ngộ nhau vì nét “ngông”.
Nếu Hoàng Chương là đỉnh của thể thất ngôn thì Nguyễn Hải của hôm nay cũng hào sảng với thể thơ thất ngôn khí thế và cuốn hút.
Lại thêm một nét tương đồng gắn kết, Hoàng Chương và Nguyễn Hải đồng điệu.
Nếu trong “Lời Hoan Ca”, tác giả Nguyễn Hải giải bày nỗi chán chường của kẻ sĩ, muốn thoát ly thực tại đau khổ thì Hoàng Chương cũng mang tâm thế ấy trong “Duyên mùa tận thế”.
Giây khắc trầm tư loạn dáng màu
Trời ơi -- Hồn Cả nghẹn thương đau
Thế gian đương tự tay đào huyệt
Địa phủ gần kia -- lửa vạc dầu
Hoàng Chương đã nặng mang cái bế tắc thế tục khi nhìn thế gian đau khổ chỉ chờ ngày tận thế. Đó là nỗi đau “tự tay đào huyệt” chôn mình vì địa ngục đã như gần kề.
Thiên lương quằn quại giữa màu tươi
Thể chất còn thoi thóp nhạc trời
Dạo xứ phân tranh mùa hỗn độn
Biết lòng ta vẹn, nhé Xa Khơi!
Nỗi đau của Hoàng Chương là cảnh thiên lương quằn quại giữa cuộc đời, là cái đẹp bị giẫm đạp giữa thế sự hỗn độn, dâu bể. Hoàng Chương cũng lên thuyền và hứa hẹn cũng biển khỡi xa thẳm…
Cánh bằng siêu thoát hư vô
Sau lưng bỏ sụp cơ đồ trần gian
Ngẩng lên: Nàng vẫn hồng nhan
Đê mê ánh bút hương đàn chầu quanh
..hứa sẽ bỏ lại chốn nhân gian thị phi để bầu bạn với hồng nhan trên chốn tiên cảnh. Đó là cái khát vọng thoát ly đời, mà đời ở đây là đang buổi loạn ly, tan tóc. Buổi ấy, nhân sĩ với những tràng thơ mới luôn cô đơn, lạc lõng vì những dòng thơ không được xã hội xem trọng. thơ mới là thơ của cái “tôi” của khát khao cá nhân và hướng đến cái đẹp. trong khi thời ấy là thời cái “ta”, mỗi cá nhân đều phải hòa mình vào cái ta chung của cả dân tộc. kẻ sĩ thơ mới như bất lực trước thời cuộc, trước những trói buộc của niêm luật của mảng thơ cũ. Trên thưc tế đã có nhiều người theo thơ cũ chê trách, đả kích thơ mới khi “tình già” của Phan Khôi lần đầu được đăng trên tuần báo phụ nữ. dù tiếp sau đó bao nhiêu nhà thơ đứng về phía thơ mới để thơ mới được công nhận thì cũng ngót một khoảng thời gian dài thơ mới bị ruồng rẫy. nỗi đau dân tộc, nỗi đau của tiếng thơ lại thêm một nỗi đau xuất thân gộp lại làm 3 nỗi đau lớn của Hoàng Chương để sau ông không được nhắc cùng với các nhà thơ tiếng tăm như Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu. ông tốt nghiệp tại một trường đại học bên Tây lại làm thơ theo cái tôi nên tiếng thơ không vang vọng trong tràng thơ mới chung. Nỗi đau này trong “Phương xa” Hoàng Chương cũng canh cánh bên lòng:
“Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ”
Cái “tôi” không được chấp nhận; lại phải sống trong cái xã hội u uất, không khí tù hãm nên những nhân sĩ có đầu óc đều muốn thoát ly đời.
Thôi mặc Thời Gian liệng Trái Sầu
Gác tai ngựa hí cuốc gào đau
Dang tay trở gót về Nguyên Thủy
Rào kín vườn xưa khép cánh lầu
Hành động “liệng Trái Sầu” của Hoàng Chương thể hiện sự mặc kệ của thi nhân. Thi nhân không còn vướn bận bởi cái buồn đau của nhân thế mà tâm thế đã sẳn sàng để cùng vó ngựa về với thuở sơ khai. Và thi nhân Nguyễn Hải cùng với hành động “nhấn buồn đau xuống biển khơi” trong “Lời Hoan Ca” cũng tương đồng với hành động “liệng Trái Sầu” của Hoàng Chương vậy.
Nguyễn Hải theo thuyền ra khơi để tìm đến bình yên. Nơi mà kẻ tha nhân muốn cập bến chính là Nước Tiên, là chốn của thiên đường. cũng như thế một thế kỷ trước trong “Chân Hứng”, Hoàng Chương cũng mơ mãi cung tiên mà chẳng còn luyến lưu cõi thế.
Chừng như thơ náu mãi cung tiên
Lóng lánh canh khuya bạc cạnh thuyền
Không đoái hoài chi dương thế nữa
Nhạc trần tơ phím mãi vô duyên
Nếu Hoàng Chương gửi mình trên lưng ngựa trên con đường giải thoát thì con thuyền Nguyễn Hải vẫn theo sóng vỗ lênh đênh…
Chuếnh choáng đêm nay ta buộc ngựa
Ven rừng hiu quạnh suối cô liêu
Xốn xang mạch máu ngàn thương xót
Tài nghệ bao đời có bấy nhiêu
Và cả Hoàng Chương và Nguyễn Hải đều là những kiếp tha nhân trong cuộc đời…
Tinh hoa thuở trước xô về đọng
Ở phiến gương vàng một tối nay
Ta lặng buông thân trời lảo đảo
Mơ hồ sông nước choáng men say
…vẫn ra đi trong cơn say chếch choáng, vẫn ngạo nghễ giữa trời, trăng, gió, nước.
Và từ những vần thơ, những nỗi niềm của 2 bậc thi nhân dễ dàng thấy 2 kiếp người đồng khát vọng.
Hoàng Chương và Nguyễn Hải, 2 đứa con của 2 thời kỳ lịch sử nhưng đã đến với nhau bởi sự đồng âm, đồng điệu và đồng khát vọng trong thơ và cả tâm thơ (cũng chính là nỗi lòng thi nhân).
Tuy nhiên cũng nên phân biệt rõ Hoàng Chương là đứa con của đau khổ vì gánh nặng của dân tộc, gánh nặng của niềm riêng thơ không được giải bày, gánh nặng của miệng lưỡi thế gian đánh giá thơ ông chịu ảnh hưởng Tây (dù ông là một nho sinh yêu nước). còn Nguyễn Hải, sống trong thời đại tự do, thơ không bó buộc mà vẫn đau đáu niềm riêng vì nhân sinh bi lụy, vì thói đời bạc bẽo, kẻ ghanh ghét tài, người người dở khóc dỡ cười. đó là nỗi đau thế thái nhân tình và là nỗi hận của một kẻ có tài.
Nhưng nếu bỏ qua đánh giá về 2 thời kỳ lịch sử khác biệt, 2 thời kỳ thơ khác biệt thì Nguyễn Hải thật sự được ví như một Hoàng Chương thứ 2 trong chốn văn đàn.
Nguyễn Hải_thi nhân góp nhặt được tinh hoa thơ mới hình thành thơ hiện đại với nét chung thơ mới và nét riêng tác giả
Nguyễn Hải lấy lại cái ngông thuở nào của Tản Đà để dấy nét cuồng loạn trong áng thơ hiện đại. nếu một thế kỷ trước Tản Đà “Muốn làm thằng Cuội” thì Ngày nay Nguyễn Hải chính là một kiếp “Tha nhân say” đi theo tiếng gọi của “Con Mộng”. Tản Đà mong bầu bạn với tiên nữ chốn Quản Hằng cung thì Nguyễn Hải cũng đêm đêm mời rượu Cô Hằng, trò chuyện cùng gió, đối đáp lời tình với nàng thơ.
Nguyễn Hải lấy lại cái ước vọng thoát tục của Tản Đà, Thế Lữ, Hoàng Chương để bộc bạch nỗi đau ở thời hiện đại mà người người còn u mê không nhận ra. Nếu Tản Đà muốn “Tống biệt” trần gian để hội ngộ bồng lai, Thế Lữ muốn thoát lên tiên theo tiếng gọi của “Tiếng sáo thiên thai” và Hoàng Chương mộng mị khách má hồng nơi chốn tiên đàng thì ngày nay Nguyễn Hải cũng muốn lạc Nước Tiên để thỏa thích niềm đam mê thoát tục. nếu Tản Đà vinh dự là người “dạo những bản nhạc dạo đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa” (Hoài Thanh-Hoài Chân), Thế Lữ là “cây đàn muôn điệu” và Hoàng Chương như “một người cũ trong thơ mới” thì Nguyễn Hải như một bản nhạc muôn âm trong đời sống hiện thực hiện đại. bản nhạc ấy là bản nhạc của người và đời mà mỗi âm thanh cất lên là tiếng đời, tiếng lòng thổn thức.
Và cuối cùng Nguyễn Hải lấy lại chút lãng mạn của thơ cũ để cách điệu thành nét lãng mạn thuần túy nơi hiện tại. chàng “Mộng tình nhân” nơi “Vọng Nguyệt Đài”, chàng “với sao trời, hái cả trăng” để dâng tặng nàng thơ “đêm hoa đăng”…như thế ấy mà tình say đắm tình.
Cũng như những bậc tiền bối đi trước, thơ Nguyễn Hải cũng hướng về tình yêu thật rõ nét. tình yêu tổ quốc, tình yêu nhân loại cũng có lắm và tình yêu trai gái cũng nhiều. nhìn chung thơ về tình của Nguyễn Hải hướng về các nàng thơ mà nổi bậc là Lê Lan, Hoàng Vi, Vỹ Quỳnh, Hoàng Lan, Khánh Nhi…thơ tình Nguyễn Hải cũng có khi là giấc mộng đôi lứa mà thi nhân trải lòng cũng các nàng thơ. Mượn nàng thơ để thi nhân mộng tìm thấy ngõ yêu, nhưng phần lớn thơ tình yêu Nguyễn Hải chỉ là chữ “mộng” và “nợ”. tình yêu trong mộng thường đẹp thế nên thi nhân hay mộng. còn thực tế tình yêu trên thế nhân luôn cuồng loạn; yêu rồi hận…hận rồi yêu, nhân tình thì hay thay đổi. tiền mua tình, tình vì tiền tồn tại. ít có tình yêu nào ở hiện tại đi đến tuyệt đích của cái đẹp của lòng khoan dung và cao thượng.
Thi nhân cũng tự nhận mình mắc nợ, nợ đời, nợ lẫn cả tình. Có lẽ vì vậy mà tình yêu lứa đôi trong thi nhân vữa chớm nở đã phải gát lại. mộng cũng nhiều và dang dở cũng nhiều đó là 2 nét đặc trưng về chủ đề tình yêu trong thơ Nguyễn Hải.
Thơ Nguyễn Hải đa dạng và nhiều màu sắc. đó là trang thơ hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ vì thi nhân đã tài tình góp nhặt được tinh hoa của những đời thơ đã qua để dần hình thành đời thơ mang những cái riêng thú vị với những bất ngờ đáng để cho thế nhân khám phá.
Một thời đại trong thi ca giờ đã qua đi, thơ mới của bảy mươi mấy năm trước giờ đây cũng đã trở thành thơ cũ và hôm nay thơ Nguyễn Hải, thơ của thế hệ mới này đây mới là những bông hoa trên đà nở rộ. nếu thế nhân cố công chăm bón thì nhất định những bông hoa kia càng khoe sắc trên những cánh đồng văn tô điểm cho đời bằng những màu sắc và hương thơm khác biệt.
Cảm nhận về đời thơ Nguyễn Hải
Nói cùng anh
Em nói cùng anh chuyện hôm nay
Có chàng Nguyễn Hải ngất ngưỡng say
Ra đi sống kiếp đời lữ thứ
Đêm nằm gối giấc mộng Liêu Trai
Em nói cùng anh chuyện núi sông
Có chàng Nguyễn Hải vốn khách ngông
Nhưng mang gánh nặng nợ non nước
Nên cùng tri kỷ cập Biển Đông
Em nói cùng anh chuyện tình yêu
Có chàng Nguyễn Hải mộng mơ nhiều
Đã tắm yêu đương Lầu Vọng Nguyệt
Đã hái sao trăng tặng mỹ miều
Em nói cùng anh chuyện buồn vui
Có chàng Nguyễn Hải ghét thói đời
Hiền tài bị ghen tỵ chôn lấp
Những kẻ vô công lại lên ngôi
Em nói cùng anh trọn đêm nay
Về chàng Nguyễn Hải_Tha nhân say
Đừng quên nhé anh, trong trời đất
Làm trai sống trọn vẹn chí trai.
Này chàng Nguyễn Hải thi nhân ơi!
Ngồi lại khách thơ tỏ đôi lời
Và đây ngự tửu em mời uống
Để cảm chàng đây đến với đời!
Tác giả bài viết : Linh Xuân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bữa nào đi nhậu nha . Sỉn làm thơ mới hay .
Trả lờiXóaVâng, bữa nào anh em mình nhậu 1 trận say mới dc...Lâu rồi ko gặp...anh khỏe chứ ạ!
Xóa