Giá trị phong cách của chữ "Xuân" trong thơ ca.



      Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, chữ Xuân là chữ rất nhiều nghĩa biểu trưng. Từ chữ xuân có nghĩa là ngày tháng mở đầu của một năm với tất cả vẻ đẹp quyến rũ đầy sức sống, dần dần nó được dùng với nghĩa biểu trưng mang sắc thái biểu cảm của phong cách nghệ thuật. Người Việt Nam mấy ai không thuộc những câu thơ tả Xuân rất gợi cảm của đại thi hào Nguyễn Du:

Ngày xuân con Én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
                                              (Truyện Kiều)

         Mùa Xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, đua nhau phát triển. Nó cũng giống như tuổi trẻ là cái tuổi của ước mơ,hi vọng, là cái tuổi của tình yêu, hạnh phúc. Nhờ có đường dây liên tưởng đó trong tư duy mới dần hình thành nên cái nghĩa biểu trưng của chữ xuân. Trong khổ thơ sau đây, chữ xuân đã hoàn toàn mất đi cái nghĩa đen, nghĩa gốc ban đầu để mang một nét mới "trẻ" và "đẹp":

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dù thịt nát, xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây!
                                             (Truyện Kiều)

         Qua thực tế, có thể thấy rằng, trong quá trình phát triển ý nghĩa, chữ xuân luôn phát sinh ra nét nghĩa tích cực. Vì thế xuân còn biểu hiện cho sức mạnh, cho sự cường tráng đối lập với già nua, yếu đuối. Chẳng thế, một lần vào dịp Bác Hồ của chúng ta tới tuổi sáu mươi, một đồng chí Trung ương có ý muốn tổ chức lễ mừng thọ Bác, Bác đã từ chối bằng mấy cấu thơ có chữ xuân rất ý nhị:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe ngủ ngon làm việc khỏe
Trần mà là thế kém gì tiên.

        Khi chuyển nghĩa từ sự chỉ phạm trù thời gian sang chỉ cảm giác, ấn tượng hay trạng thái tình cảm của con người, chữ xuân thường có biến thái tinh tế và sự chuyển hóa dần dần. Đôi khi cái nghĩa biểu tượng của nó khuất trong chiều của cảm nghĩ mà không hiện ra ngay một lúc. Chẳng hạn trong đoạn Kim - Kiều tái hợp, Nguyễn Du đã khai thác cái nét tinh tế, uyển chuyển đó của chữ xuân để diễn tả những cung bậc tình cảm phức tạp của đôi lứa khi gặp nhau sau biển trời xa cách với những bôn ba sóng gió mà Kiều phải nếm trải.  Ngôn ngữ đối thoại của chàng Kim cũng chính là ngôn ngữ của tác giả, đồng thời cũng là ngôn ngữ của cuộc đời:

Chừng xuân, tơ liễu  còn xanh
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân
Gương trong chẳng chút bụi trần
Một lời quyết, hẳn muôn phần kính thêm.
                                                 (Truyện Kiều)

      Sở dĩ chữ xuân được thi hào Nguyễn Du sử dung linh hoạt như vậy chính là vì trong bản thân nó luôn chứa đựng những tiềm năng có thể tạo ra cơ chế liên tưởng cho người đọc. Cơ chế này hình thành do những thói quen tư duy mang tính dân tộc, phần nào cho thấy tính năng động trong cách nghĩ, cách cảm của người Việt Nam và thế giới xung quanh và chính hơn nữa là cảm xúc của mình. Chính vì chữ xuân thường phát sinh nghĩa theo chiều hướng tích cực cho nên khi tạo ra những từ ghép hay cụm từ, nghĩa của toàn bộ tổ hợp cũng thường mang nghĩa tích cực. Trong Truyện Kiều, đoạn Kim - Kiều gặp mặt, chỉ bốn câu thơ với việc dùng cụm từ lượng xuân và chiều xuân, Nguyễn Du đã miêu tả cả quá trình chuyển biến trạng thái tâm lý người con gái đoan trang khuê các:

Lượng xuân dù quyết hẹp hòi
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!
Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
                                               (Truyện Kiều)

        Lượng xuân trong trường hợp vừa nêu trên có sức bao chứa một nội dung sâu sắc nói về sự rộng lượng bao dung trong tình cảm của Kiều. Còn cụm từ chiều xuân dễ khiến lại nói về thứ tình yêu bắt đầu chớm, bén mà khó nói lên lời.
         Không phải ngẫu nhiên mà cùng là các chữ (từ) chỉ về mùa khí hậu trong năm, nhưng các như hạ, thu, đông, lại hầu như không có khả năng tạo ra các tổ hợp có giá trị phong cách như chữ xuân. Dường như quá trình hình thành nghĩa và hình tượng của từ luôn gắn liền với quá trình nhận thức các sự vật, hiện tượng thế giới xung quanh trong quy luật vận động của nó. Nghĩa phát sinh của chữ xuân phát triển một cách đa dạng, phong phú chính là sự thể hiện rõ nhất giữa từ và mối hoạt động thực tiễn của con người.Trong sức sống của từ bao giờ cũng phản ánh sự nhận thức ngày càng đi lên của tư duy trong lao động sáng tạo.
          Trong thơ ca hiện đại, chúng ta gặp không ít những câu thơ hay, sử dụng nghĩa biểu trưng của chữ xuân. Bài thơ "Tình tình xuân cho anh" tôi viết về nỗi nhớ của một thiếu phụ, với cái nhìn xuân thay hình tượng "người anh" trong cái chờ đợi. Chữ xuân ở bài ở bài thơ này hoàn toàn không còn cái ngĩa đen của nó. Mà hoàng toàn mang dáng dấp của hình ảnh "người tình", cơn gió hay mái tóc bạc của thời gian:

Anh hãy là xuân ghé đến chơi
Đừng như gió thoảng cuống qua đời
Trước ngõ cành mai đà điểm bạc
Lại rồi xuân nữa... hỡi anh ơi!
                         (Tình xuân cho anh - Nguyễn Hải)

       Như trong bài thơ viết về Bác của nhà thơ Viễn Phương là một bài thơ hay, gây được nhiều xúc cảm cho người đọc. Trong đó khổ thơ thứ hai có câu kết thúc bằng từ mùa xuân, với nghĩa biểu tượng:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín xuân
                                         (Viếng Lăng Bác)

        Như vậy chữ xuân ngoài nét trẻ, khỏe còn có nét nghĩa là đẹp và buồn nhớ. Bảy mươi chín mùa xuân trong câu thơ của Viễn Phương không phải chỉ có nghĩ là bảy mươi chín tuổi đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn mang một thông tin thẩm mỹ với hàm nghĩa nói về cuộc đời cao đẹp đầy ý nghĩa mà Bác đã cống hiến cho dân tộc.
         Có lẽ trong các thi nhân Việt Nam thì Nguyễn Du là nhà thơ dày công tìm tòi để phát huy hết khả năng tiềm tàng của chữ xuân hơn cả. Đọc Truyện Kiều chúng ta bắt gặp nhiều kết hợp sáng tạo bất ngờ, nhiều sự khám phá mới mẻ về chữ xuân. Chẳng hạn trong đoạn nói về Kim Trọng, Vương Quan thi đậu, khi miêu tả nỗi lòng của Thúy Vân cùng Kim Trọng ở chốn phòng loan, Nguyễn Du đã dùng hai chữ phòng xuân rất đắc dụng vì nó tạo ra những đối lập giữa cảnh và tình, giữa cái bên ngoài và cái bên trong:

Phòng xuân tướng rủ hoa đào
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng
Nghe lời chàng cũng hai đàng tin, nghi.
                                           (Truyện Kiều)

       Do chữ xuân có chứa đựng nhiều nét nghĩa tiềm tàng, có khả năng diễn tả được nhiều cung bậc tình cảm khác nhau của lòng người mà trong thơ ca nó luôn luôn được tái tạo qua nhiều phong cách, qua nhiều kiểu kết hợp. Từ đó chữ xuân ta có các tổng hợp: tình xuân, ý xuân, ánh xuân... Câu thơ mở đầu trong bài thơ tặng Ngô Bích San, nhà thơ Thế Lữ đã dùng đến hai chữ xuân để tả không gian, nơi có tiếng sáo đi vào cõi lòng của thi nhân trong nỗi miên mang như là huyễn tưởng:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
Bên rừng sáo thổi một hai kim đồng
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng mênh mông là buồn!
                             (Tiếng sáo Thiên Thai)

       Cũng tả về mưa nhưng cảm nhận về một cơn mưa của mùa xuân sẽ khác những cơn mưa của mùa còn lại. Chính vì thế, trong thơ Nguyễn Bính mưa xuân tạo nên một dáng vẻ rất riêng:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".
                                         (Mưa xuân)

       Có lẽ mùa xuân là điểm quy chiếu cho mọi tìm tòi và sáng tạo của người nghệ sĩ. Những khám phá, phát hiện về những năng lực bên trong của chiều sâu ngữ nghĩa cũng như khả năng kết hợp phong phú của từ này thể hiện rõ chất tài hoa nghệ sĩ của mỗi nhà thơ. Trong bài Mùa xuân chín, Hàn Mạc Tử có những câu thơ gây ấn tượng, rất đậm nét cho người đọc về mùa xuân:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
                                  (Mùa xuân chín)

       Có thể nói rằng, trong thơ ca, chữ xuân là một chữ có tính năng động về khả năng kết hợp và có những khả năng phát sinh ý nghĩa tinh tế. Nó tạo nên một vẻ riêng về giá trị phong cách của mình ./.

                                                                     Nguyễn Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.