Chút suy tư đời


Sống trên đời này người ta thường không tránh được những lúc căng thẳng, ưu phiền bởi sự va chạm trong tương quan sinh hoạt đời sống hàng ngày, ở gia đình cũng như ngoài xã hội. Dĩ nhiên sự ưu phiền và căng thẳng bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau, nhưng ở đây tôi chỉ đề cập tới một nguyên do duy nhất, đó là thái độ cư xử với nhau qua hành động và lời nói giữa những người trong cuộc giao tiếp.

Hành động và lời nói thật ra "tuy hai mà một", bởi vì khi ta nói tức là thực hiện một hành động – hành động nói! Lý luận này có thể bị người ta cho là một loại "chơi chữ" lòng vòng; tuy nhiên đó không phải là mục đích của bài viết này, mà mục đích của bài này là muốn đề cập tới cung cách đối xử với nhau giữa người và người, nhất là giữa những người lân cận hàng ngày với nhau để làm sao đem lại sự hài hoà, yêu thương và hạnh phúc, hay ít nhất là một niềm vui nho nhỏ bên nhau. Trái lại phải tránh loại cung cách đối xử với nhau bằng thái độ vô ý qua lời nói và cử chỉ để gây phẫn nộ, bất hoà với đối tượng của mình. Nêu ra vấn đề cung cách cư xử hay ăn nói với nhau như vậy có vẽ quá ứ là "giáo khoa thư" thường dành cho lớp trẻ học vở lòng! Tuy nhiên, bậc "người lớn" chúng ta có nhiều lúc quá chủ quan với sự từng trải của mình nên thiếu thận trọng trong phong cách, hành vi của mình, đặc biệt nhất là trong tương quan vợ chồng, bởi vì nghĩ rằng đã là người "đầu gối tay ấp” của mình nên có nhiều khi ta không cần để ý hay thận trọng trong cung cách cư xử với nhau, để tới lúc “tức nước vở bờ”, tình cảm trở thành lạnh nhạt trong tâm trạng ưu phiền, buồn chán rồi chia ly.

Thực hiện cung cách đối xử nhau chẳng khác nào công việc vẽ tranh. Nếu người thợ vẽ biết chọn lựa màu sắc để bố trí cho bức tranh của họ phản ảnh những ý nghĩa có giá trị được yêu chuộng, thì trong giao tiếp với người chung quanh, ta cũng có thể chọn các cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói êm dịu – êm dịu đến mức độ “ngọt ngào" đáng yêu đáng quí! Nếu làm được vậy thì nhất định sẽ đem lại một niềm vui nho nhỏ cho nhau, thay vì xung đột, đôi co, lạnh nhạt hay giận hờn với nhau thì đời đâu có gì vui, dù chỉ là niềm vui tạm mà thôi!

Cuộc sống trần gian đã đầy dãy đau thương phiền muộn rồi; nào bệnh tật, nào sự mù quáng, giành giựt lợi danh, bây giờ trong cái thế giới thu hẹp của gia đình đáng lẽ phải là nơi chứa chan tình cảm yêu thương chân thật, để an ủi cho nhau, để đem lại niềm vui nho nhỏ cho nhau trong đời sống hàng ngày, thì tại sao ta không làm được, ít ra là bằng lời nói ôn tồn dịu ngọt, bằng cử chỉ dễ thương, bằng hành giúp đỡ thiết thực? Câu hỏi này, vấn đề này, là phản ảnh trạng thái thực tế của nhiều gia đình, đặc biệt là trong xã hội tây phương ngày nay. Nói như vậy không có nghĩa là gia đình ở Việt Nam được hoàn toàn hạnh phúc, nhưng Nguyễn Hải chỉ muốn nêu ra cái tình trạng xáo trộn trong gia đình rất phổ thông trong thời đại ngày nay mà nguyên do chắc phải là nhiều lắm.

Nếu dựa vào triết lý đạo Phật để giải bày về nổi khổ của con người trong cuộc sống hàng ngày thì nó quá mênh mong và quá sâu sắc, không thích hợp trong phạm vi bài viết này. Ở đây Nguyễn Hải chỉ muốn nêu ra một vài ý nghĩ thô thiển dựa vào đời sống thực tế hàng ngày của chúng ta mà thôi.

Thông thường, khi người ta lớn lên đến cái tuổi biết cảm nhận sự cần thiết tình cảm của người xung quanh, biết sợ cô đơn, thì họ có nhu cầu giao tiếp hay chung sống với người khác. Hình thức tạo lập gia đình, giao tiếp bạn bè, tổ chức hội hè, đình đám là phản ảnh nhu cầu xa lánh cô đơn để tìm nguồn vui với người khác. Nhu cầu điển hình nhất là nhu cầu "có đôi” để tiến tới quan hệ vợ chồng trong một mái ấm gia đình. Tuy nhiên, trong sinh hoạt tương quan với người khác, hành vi, cử chỉ, lời nói, thường là những yếu tố then chốt dẫn đến sự hài hoà, yêu thương, hạnh phúc; nhưng nó cũng có thể làm cho người ta buồn phiền, tức giận với nhau để rồi có thể đưa tới những tình huống chia ly, thù địch thật đáng tiếc, do bởi thiếu thận trọng trong hành vi và lời nói.

Ở đời chắc không ai tránh được lầm lỗi, nhưng điều quan trọng là mình có đủ sáng suốt và can đảm để nhận ra cái lỗi của mình hay không? Trong tinh thần vị tha để đem lại sự hài hoà với nhau thì có lẽ chúng ta cũng không nên "chấp", nghĩa là nên tránh cái tâm trạng buồn phiền lâu dài mỗi khi có sự xúc phạm bởi một lời nói vô ý thức hay một cử chỉ kém nhả nhặn nào đó của người phối ngẫu trong gia đình hay bạn bè ngoài xã hội. Không "chấp" như vậy có nghĩa là đã tha thứ rồi và đây là một thái độ thật cao quí, thường khó khăn lắm mới làm được. Tuy nhiên một khi đã làm được rồi thì liệu chúng ta có chắc là sẽ tìm được một sự hài hoà, một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày hay không? Liên quan câu hỏi nầy, chúng ta nên ý thức rằng hạnh phúc hay niềm vui trong cuộc sống thường có liên quan tới ít nhất là hai người. Thiếu người khác, ta rất khó tìm được một niềm vui, ngoại trừ những người tìm được niềm vui trong cô đơn! Tuy nhiên đây là mối tương quan hai chiều, tức là cả hai người đều có trách nhiệm đóng góp để tạo niềm vui cho nhau. Qua lời nói và cử chỉ, một người biết tha thứ và sẵn sàng tha thứ, người kia phải biết lỗi của mình và phải can đảm nhận lỗi, và đặc biệt là phải cố gắng đừng tái phạm!

Nhận lỗi và xin lỗi bằng lời nói và hành động, nếu được thì nhất định sẽ bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng ngặt nổi không phải ai cũng làm được! Giống như hành động thể hiện tình yêu thương của con cái đối với cha mẹ mà Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh đã dạy qua bài "Bông Hồng Cài Áo" - chỉ cần một câu đơn giản “mẹ có biết là con thương mẹ lắm không". Có nhiều người rất thương mẹ, và thương một cách chân thành, nhưng vẫn khó nói ra! Trong quan hệ vợ chồng, có lẽ dễ hơn bởi vì ta thường có được khung cảnh riêng tư và gần gủi. Một giây phút "tự giác" can đảm, một lời nói xin lỗi chân tình trong khung cảnh riêng tư, gần gủi giữa vợ chồng mà không làm được hay sao? Nó đơn giản, nhưng nhiều người khó làm chỉ vì chưa quen mà thôi! Tại sao mình không tập cho quen, làm những hành động đơn giản nầy để bảo vệ hạnh phúc cho chính mình? Bạn không tin cái công hiệu phi thường của lời nói và cử chỉ như vậy ư? Xin hãy làm thử đi, đừng đợi đến khi quá muộn!

Sự tha thứ sẽ không kéo dài bất tận, người tha thứ nhiều lần quá mà vẫn không có được sự đáp ứng tích cực nào thì họ có thể trở thành tiêu cực và có có thể đi đến những quyết định chia ly âm thầm để tìm cho họ một cuộc sống bình an hơn. Đó là loại người biết "dĩ hoà vi quý", nghĩa là coi sự hoà thuận là một điều quý. Còn loại người khác thì có thể đến một lúc nào đó khi sự chịu đựng của họ đã quá mức giới hạn thì sẽ không còn giữ được thái độ hài hoà, tức là sự bất hoà xảy ra để rồi có thể đưa đến những hậu quả đổ vở, ly tán mà chúng ta thường thấy trong xã hội tây phương này. Khi đó, mái ấm gia đình sẽ không còn "ấm", niềm vui hay hạnh phúc gia đình cũng sẽ mất đi. Người ta có thể đi tìm một nguồn vui mới, nhưng cho dù có tìm được đi nữa mà không biết giữ gìn, không biết trân quí cái gì mình có trong tay, rồi cũng sẽ mất đi. Và cứ thế con người cứ đi trong cái vòng lẫn quẩn của cuộc đời!

Hải đã từng thấy một đôi nam nữ thật hạnh phúc bên cuộc sống bình thường của xã hội phồn hoa đua chen ngày nay. Chàng khi tan công việc ở một xí nghiệp nhỏ về, đón bước chân nàng sinh viên xinh đẹp trên chiếc xe đạp qua phố phường. Họ kể nhau nghe những chuyện vui buồn hôm nay, ngày mai và tương lai....!

Hay tôi thấy bên bãi biển thấp thoáng hoàng hôn có đôi vợ chồng già ngắm cảnh trong chiều tà. Cụ ông chân không vững bà dìu đi, mắt bà không tỏ, ông chỉ đường tiếp bước. Bên nhau họ kể nhau nghe những gian khổ cuộc đời bên nhau. Kể về đứa con gái lớn có chồng xa, thương nhớ về cha mẹ như thế nào. Ông nghẹn ngào nhớ ngày ấy hay tin thằng Tư hi sinh ngoài chiến trường. Kể về tiếng khóc đầu của thằng cháu nội...Họ vẫn có niềm hạnh phúc những ngày cuối đời đúng không các bạn?...

Vâng chỉ hai ví dụ qua các bạn hiểu ý tôi chứ? Dù cuộc sống này có gì đi chăng nữa, thì ta vẫn tìm thấy niềm vui hạnh phúc mà đúng không?...Việc là chúng ta có vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc đời không lường trước này, vươn lên đến mục đích không?

Bài viết là những ý kiến mộc mạc của Nguyễn Hải có lẽ cũng để các bạn suy nghĩ? Tôi tin những ai nhiệt huyết sẽ đạt được những gì mình mong muốn trong xã hội này? Cố lên các bạn nhé! Chúc những ai đang vướng mắc trong cuộc sống tìm ra cho mình lối đi hạnh phúc hơn. Chúc tất cả tìm thấy niềm vui nơi ta...!

Khẽ nghiêng bút




Ai đã sinh ra trong tháng 6, cái tháng khí trời dịu nhẹ kiêu sa của mùa hạ. Bên tiếng ve ra rả, bên những cánh phượng đỏ rực dưới nắng tôi thấy xôn xao đón ngày sinh nhật mình mỗi năm. Nay đã 12 tháng 6 rồi, 2 ngày nữa ư? Ta lại chúc ta thêm tuổi mời và rồi...ta lại nhìn thời gian qua...Lòng lại bùi ngùi tiếc thương, nhung nhớ, chạnh buồn cho những gì đã qua. Cuộc đời là một chuỗi vòng tròn lẫn quẩn cái kiếp người này. Thời gian trôi nhanh quá, thấm thoát ta đã hơn nửa đời người rồi, bước chân chưa mỏi nhưng đã mòn gót giầy đường trần. 

Một chuyến đi Nga về, lòng thấy u uất vô cùng...Vô cùng tuyệt vọng và mất mát. Một bài thơ ma mị Lạc Hồn Ca cũng chả đủ thấm thía cái u buồn cho ta. Muốn viết cho em rất nhiều, muốn thét lên cả ngàn lời hối tiếc, mà nào có viết, có nói được đâu? Lúc này ta như đứng giữa vạn vật u sầu, chén rượu đọ trăng, vần thơ thi gió cũng chả là tri kỷ bên ta lúc này. Ừ thì cô đơn đếm bước, ừ thì gượng cười nhìn thế gian đổ lệ Nguyễn Hải nhỉ?

Nhật ký viết mòn bàn tay, cũng ngần ấy năm trời thơ thẩn, cũng chừng ấy bao năm tròn làm bạn thơ ca để nhung nhớ, để biết khóc cười trên tình yêu em... Ta như một gã cuồng đi tìm những góc khuất cuộc đời ta và người. Để ta đau thắt tim gan, trong chén rượu cay, còn người nhỏ lệ đau trên nỗi đau ngôn từ thôi.

Thôi ta ngừng bút lại mà ngẫm nghĩ, mà tìm ít nụ cười rơi rớt lại giữa thế gian. Mai ta sẽ viết tiếp, màu mực có tươi hơn hay khô cằn cũng là do lòng người cả nhật ký của ta ạ! Sinh nhật năm nay những hồng nhan không có, cũng không rượu ngon với bạn hiền. Ừ ta sẽ đi tìm em...

Cái sự đi giầy


Đàn ông đứng trước tủ quần áo sẽ suy nghĩ khác phụ nữ như thế nào? Họ mất 5 phút để suy nghĩ rằng hôm nay sẽ mặc cái gì và 5 phút sau đấy họ đã có thể bước ra khỏi cửa, các bạn gái tất nhiên là sẽ phản đối ngay câu nói vừa rồi theo chiều hướng có lợi cho phái yếu đại loại như sau :

1. Chúng tôi đương nhiên là phải lỉnh kỉnh "phụ gia" rồi.

2. Con gái thì tất nhiên còn phải trang điểm nữa, tốn nhiều thời gian lắm chứ.

3. Suy cho cùng thì cũng là các chàng ngắm chứ ai.

Vân vân và vân vân…..

Nhưng mọi thứ không bao giờ hoàn toàn chính xác cho dù nó có nghiêng về bên nào đi chăng nữa. Thế bây giờ lại phải suy nghĩ xem : "Đàn ông khi chọn một đôi giầy mới thì sẽ khác phụ nữ như thế nào? Theo mình thì câu trả lời sẽ là. Bản chất sự chọn giầy của đàn ông và phụ nữ chẳng khác nhau tí nào.."

Các chị có thể trong 1 tuần mua 5 đôi giầy cao gót và sau khi thử 10 lần ở cửa hàng thì về nhà lại thử thêm 10 lần nữa để chắc chắn là mình mua đúng. Rất tiếc là các chị dường như chưa bao giờ mua đúng, cái lý thuyết "mua cực chuẩn" chỉ đúng cho tới khi các chị gặp được đôi giầy cũng y hệt như thế nhưng khác màu vào ngay ngày hôm sau chẳng hạn --> Thôi thì 2 màu lại càng tốt chứ sao. Đôi giầy một khi mua rồi sẽ không bao giờ có tội.

Thế còn các anh, chuyện bắt đầu trên sân bóng, đôi giầy thật kém duyên và có vẻ lực sút không đủ để "đóng" thủng lưới thằng cu thủ môn, thế là nào giầy đinh bằng da Kangouru, đinh bằng hợp kim siêu bền, thiết kế để sút bóng chính xác hơn, rất tiếc là các quảng cáo này chỉ đúng khi người đi giầy là…. Kaka hoặc Ro "vẩu". Nhưng các anh một khi mua giầy về rồi, thì tự tin hẳn lên, đi giầy mới đá cũng thấy "hay" hơn mặc dù là lực sút cũng vẫn chưa đủ để hạ thằng cu thủ môn --> Có lẽ hôm qua thức khuya quá. Mình cũng chẳng phải là ngoại lệ .

Nói tóm lại giầy vẫn là giầy không thể là kẻ thù và giầy luôn vô tội cho dù nó là giầy giống cái hay giầy giống đực.

Chuyện tình cảm có lẽ theo một khía cạnh nào đấy cũng như cái sự đi giầy.. Chúng ta luôn đi những đôi giầy mới một cách phấn khích và nâng niu nó hết mực. Cho đến một ngày ta cảm thấy thật bình thường khi "đi" nó vào chân và vứt bỏ nó trong một xó xỉnh nào đấy mà chẳng thèm ngó ngàng tới. Đôi lúc chúng ta cảm thấy không thoải mái với đôi giầy đang "đi" chỉ tại vì vài hạt cát rơi vào giầy, những "khó khăn" đại loại như vậy rồi sẽ qua rất mau, chỉ cần thò tay vào vứt những hạt sạn. Nhưng một khi đôi giầy đấy không còn „vừa“ nữa thì chắc chắn con người sẽ bỏ nó sang một bên vì nếu đi tiếp sẽ hỏng cả "chân" và hỏng cả "giầy". Sẽ rất khó có chuyện đi được lại một đôi giầy "không vừa" chân mặc dù điều đấy là hoàn toàn có thể, đôi giầy cũ có thể sẽ đẹp hơn, hoành tráng hơn lúc nó không vừa với đôi chân, nhưng đôi chân cũng đã khác rồi.