Người tình


Người tình
 ( Truyện ngắn của Nguyễn Hải )

         Trong mỗi vị Thần, ai cũng có một hình hài và sắc thái cùng cá tính riêng của mình. Nhưng có một vị Thần mang hình hài của một đứa trẻ, với đôi cánh trắng muốt sau lưng. Thần bay đi đây đó, trên tay luôn có một cây cung tên cùng tính cách nghịch ngợm. Với niềm thích thú cho những mũi tên của Thần bắn đi găm phải ai, là người đó phải trúng mũi tên luyến ái của Thần. Người ta gọi vị Thần này là : Thần Tình yêu. Không biết có phải tính nghịch ngợm của Thần hay không, mà mỗi khi thứ thuốc độc được tẩm ở đầu cung tên được Thần bôi lên, ai mà trúng phải là phải yêu ngây dại đến điên cuồng.? Nhưng thần bôi thuốc "tình mê" kia lên cung tên mình liều lượng thì chả cung tên nào giống cung nào cả? Ai mà trúng phải cung tên "ái tình" của Thần được bôi thuốc nhiều, thì yêu đến dại khờ đến đảo điên. Nhưng những ai trúng phải mũi tên có phần thuốc nhẹ hơn thì một thời gian yêu một lúc nào đó, và khi thuốc đã giải, họ sẽ không còn mặn mà nữa với tình yêu và hững hờ chia li mối tình của mình, những người đó được tự do. Một điều nữa là thần không những bắn riêng ai đó một lần trong đời? Có lẽ Thần hay quên và không nhớ chăng?

       Ngồi trên chiếc Taxi, boang boang qua những những con đường phố thị Sài Gòn tấp nập, Hân thả mắt nhìn xa xăm. Lúc thì cô nhìn vào đám đông tấp nập kia, cô tự hỏi những người đó họ đi đâu và về đâu? Trên xe tài xế mở một bản nhạc nhạc trữ tình du dương và thắm thiết, khiến cô phải chú ý. Lời bài hát do một ca sĩ nữ trình bày, mà cô cũng không biết là ca sĩ nào, ca khúc nào? Chỉ biết lời bài hát là nỗi nhớ da diết của người con gái thốt lên với người tình cũ đầy phong lưu và đa tình. Hân tựa đầu vào kính xe mà khẽ nhếch môi. Hân nghĩ lại những chuyện đã qua và thấy ái ngại cho cô gái trong bài hát, hay cho chính mình? Một cái nhếch môi nhẹ nhàng thôi mà khiến lòng cô đau nhói, tựa như con suối nước mắt ở đâu tràn về, nhưng nó không tràn ra khóe mi cô, dường như có một gì đó ngăn dòng nước mắt tủi hờn và chai sạm kia của cô rồi? Hân hiểu rõ và biết được người phụ nữ khi yêu thì cái chờ đợi là thế nào? Cô có thể định ra ba dạng phụ nữ trong con mắt dõi nhìn xa xăm chờ đợi người tình, người chồng là thế nào?

     Dạng phụ nữ thứ nhất đó là những mỹ nữ, những quý Phi của thời Vua chúa ngày trước. Cái chờ đợi và sớt chia một người mình gọi là đức lang quân. Chỉ niềm ân ái chăn gối như những cặp vợ chồng bình thường thôi, mà những mỹ nữ đó phải chờ ngày này qua tháng nọ, chờ bằng cả tuổi thanh xuân, đến khi nhan sắc tàn phai và chờ đến tận cuối đời trong cung cấm, mà bóng dáng vị Vua uy nghi nào có đến?

      Dang phụ nữ chờ đợi người tình hay người chồng thứ hai là những thiếu nữ trong thời binh loạn. Yêu nhau trong tiếng bom, tiếng pháo nhưng họ vẫn nghe rõ lời thủ thỉ của người tình " Chờ anh về em nhé! Nhất định anh sẽ về với em khi tròn tay súng. Trả xong nghiệp nước anh sẽ về lại đây mà xin cưới em...." Thế là người khoát áo quân nhân bước đi, họ nhìn theo và ngày qua ngày vẫn âm thầm chờ đợi mãi. Chờ đến khi da mồi, mái tóc đã điểm bạc của sợi thời gian, mà người nào có về?

       Dạng người phụ nữ thứ ba đó là những "người tình" một nơi hẹn hò nào đó, nơi chỉ riêng hai người. Sau những phút ân ái mặn nồng và người tình đứng lên, mặc lại áo quần, thắt lại caravat và xách cặp táp đi, đi mãi để những cô gái gái ấy dõi mắt theo trong mong chờ một ngày người tình về lại bên mình, chờ và thế những cô gái này vẫn chờ trong nước mắt. Nhưng các cô cũng tự mình phải lau những giọt nước mắt trong nhớ nhung đó....

        Hân nằm dạng người phụ nữ chờ đợi thứ ba đó. Vừa tròn 22 tuổi, Hân chân ướt chân ráo đến với cái thành phố tập nập và bon chen này kiếm kế sinh nhai, xây dựng tương lai với cái bằng kế toán đang theo trên tay. Cuộc sống ở Sài Gòn dạy cho cô gái quê nhiều thứ mà cô phải nhớ đời. Những ngày tháng đầu lên đây, cô vừa làm vừa học rất vất vả. Sáng sớm cô dậy trước mọi người, khi mặt trời chưa ló dạng, nhẹ nhàng đi qua những căn phòng bề bộn của khu ký Túc Xá. Lẽo đẽo trên chiếc xe đạp, cô đến phụ cho một nhà hàng nhỏ cách chỗ cô ở cả gần 5 cây số. Đến chiều cô phải hối hả đạp xe về để kịp thay quần áo đi học. Nếu ai nhìn kỹ cô hơn, đằng sau những bộ quần áo quê mùa ấy, là một cô gái có khuôn mặt rất dễ nhìn, làn da trắng nõn nà, mái tóc chấm ngang vai đen tuyền óng ả. Thân hình gọn gàng rõ đều cả ba vòng, eo và ngực. Nói chung với cái tuổi đôi mươi Hân là một cô gái đầy hấp dẫn.

      Làm được một thời gian, thì ông chủ nhà hàng bắt đầu để ý tới Hân. Luôn dành cho cô những việc nhẹ nhàng. Cuối tháng nào cũng có chút tiền đưa riêng cho cô, ông ta gọi là "tiền bo". Hân rất đỗi ngạc nhiên, nhưng cô nghĩ là do mình cố gắng nên ông chủ thấy thương. Cô đâu biết là cặp mắt người đàn ông đáng tuổi cha mình kia, luôn nhìn lén cô với vẻ thèm thuồng. Một hôm Hân nhận từ tay ông chủ một món quà, khi về Hân rất ngạc nhiên, trong đó là những bộ quần áo đắt giá, mà chắc giá tiền của nó cô phải mơ mới có được? Kèm theo một phong bì với số tiền 2 triệu đồng và một tờ giấy có ghi mấy hàng chữ nắn nót của ông chủ: "Anh nhờ người mua cho em ít bộ đồ này, anh nghĩ nó sẽ hợp với người đẹp như em. Tối mai anh cho em nghỉ việc và anh chờ em ở quán ăn Hồng Lĩnh cuối đường Tú Xương nhé! Anh chờ em đến đó. Hẹn gặp em! Cám ơn em bữa giờ đã giúp cho nhà hàng rất nhiều việc, anh rất vui và muốn gặp riêng em nói chuyện". Hân rất phân vân và hồi hộp, có gì đó ngờ ngợ trên khuôn mặt cô gái thơ ngây. Nhưng Hân quyết định đi, vì đó chính là ông chủ của cô, khó mà từ chối được? Với lại Hân cũng cần nói lời cảm ơn ông. Hân diện lên bộ đồ thật đẹp mới nhận của ông chủ và mang tâm trạng nửa vui, nửa sợ ra chú xe ôm để đến nơi hẹn. Vừa đến cô đã thấy ông chủ của cô, ông cũng quay sang và cất lời mời cô:

-Em đến đúng giờ quá, anh cũng vừa mới tới...!

Hân cuối đầu chào và ngồi xuống rồi nói:

-Cháu cảm ơn chú về món quà chú tặng cháu nhé! Chú kêu cháu ra đây có gì không ạ?

Ông chủ lịch lãm của cô khẽ cười và trả lời cô rất nhẹ nhàng:

-Anh thấy em vất vả, nên có chút quà nhỏ gửi em có đáng kể gì đâu? Miễn sao em cố gắng hơn là tốt rồi. Mà nè, đổi cách xưng hô đi. Anh không muốn em gọi bằng chú hiểu không cô bé?

Nói xong ông nhìn thẳng vào Hân. Khiến Hân ngượng ngùng cuối đầu và buông một tiếng:

-Dạ!

Bữa gặp riêng của Hân và ông chủ ít phút sau là những tiếng cười hiển hiện niềm vui, nên xua tan cái vẻ căng thẳng nơi cô lúc ban đầu. Lát sau trên bàn hai người đã đầy đồ ăn và những chai rượu Tây thịnh soạn. Hân nói mình không biết uống rượu, nhưng không thể chối từ lời mời tha thiết của ông chủ đáng kính của cô. Và Hân đã uống, cái vị nó chát chua nghẹn cả cổ. Gần tàn tiệc ông chủ nói với Hân:

-Vài bữa nữa nhà hàng sẽ mở thêm mấy chi nhánh và điều tiết người đi theo....

Hân nghe trong nét ngạc nhiên, vội hỏi ông chủ:

-Thế em làm ở đâu vậy, còn chỗ này không anh?

Ông chủ không trả lời Hân ngay mà cầm lấy tay cô để lên ngực mình và nói:

-Em ở đây này, trong lòng anh, anh rất thương em. Chỉ cần em bên cạnh anh, đừng rời xa anh thì anh sẽ cho em tất cả, cùng trái tim anh....

Hân rụt rè e thẹn, Hân muốn rút tay ra nhưng cái gì đó lâng lâng khiến cho im lặng. Có lẽ men rượu đã ngấm, hay chính cô không muốn phá tan cái cảm giác hạnh phúc này? Thế sự im lặng đó đã khiến cô đi theo ông chủ mình qua đêm ở một khách sạn sang trọng giữa thành phố. Sáng ra trong cái uể oải và buốt giá khắp người, cô thấy ông chủ mặc đồ chỉnh tề lại và để trên bàn một xấp tiền, khi đi ông không quên lại hôn lên trán cô và nói gặp lại cô ở nhà hàng nhé! Lúc này cô đã tỉnh táo hơn, cô ngồi dậy, quấn chăn ngang mình cô nhìn ra cửa sổ. Người đàn ông vừa khiến cô trở thành đàn bà đang lên chiếc xe hơi bóng loáng, đi về với vợ con, để cô ngồi lại một mình nơi đây. Bỗng cô thấy trong mình có gì đó nghe đắng chát dâng lên trong người, giống như mùi vị của những ly rượu Tây hôm qua cô nếm thử lần đầu, và cô đang ngồi lại để nếp vị chát chua này lần đầu.

    Từ đó Hân trở thành người tình của ông chủ.Ông chủ đã thuê một căn nhà riêng cho cô ở, dụng cụ trong nhà đều đầy đủ, cùng để dễ bề hai người tâm sự. Cứ có việc cần là ông nhắn tin cho cô đến nơi hẹn, sau những cuộc yêu đương lén lút đó, cô đều nhận được những món quà từ tay người tình của mình. Đa số là những phong bì dày cộm tiền. Từ đó Hân khá giả hơn, có tiền lo học phí và tháng nào cũng có một khoảng tiền dư để gửi về quê cho cha mẹ và các em đi học. Cô có tiền mua những thứ mình thích, mặc được những bộ đồ mà cô ưng ý, không phải thèm thuồng khi ra phố nhìn những cô gái khác nữa. Hân thấy cuộc sống của cô tươi đẹp khi làm người tình của ông chủ. Nhưng trong cô luôn nơm nớp một nỗi lo là một ngày nào đó vợ và các con ông biết việc này sẽ sao? Hân không có câu giải đáp cho mình?....Và Hân chấp nhận cuộc sống mà cô gọi là hạnh phúc này.

      Người ta nói cây kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra. Cuộc sống tươi đẹp của cô chấp dứt khi bà chủ phát hiện những biểu lộ tình cảm bất thường giữa cô và chồng bà. Bà âm thầm cho người theo dõi Hân và chồng mình. Một tối nọ bà và mấy con trai cùng một số người khác đã bắt gặp cô và ông chủ đang ân ái bên nhau. Trong cơn giận dữ bà không ngớt lời sỉ mắng, và tay chân cho cô những cái tát, những cú đá lên tấm thân nhỏ bé. Hân chỉ biết ôm đầu chịu trận, tay quơ quần áo mặc vào. Nhưng cô sao thể chống lại đám người giận dữ kia? Họ đánh đập cô tàn tạ. Ông chủ giờ là một kẻ nhu nhượt trước vợ và các con, ông cúi mặt không dám nhìn ai và mặc cho người tình nhỏ nhắn mình bị người ta hành hạ.

       Có một phút thôi Hân đã mất tất cả, người tình, chỗ làm, chỗ ở và những khoảng tiền kết xù từ tay người tình. Cô xấu hổ bước đi lững thững không biết đi đâu. Một cú sốc khiến cô đâm trầm cảm không muốn nhìn ai, hay nói chuyện với ai. Cái hận sao cho người tình không bảo vệ mình, không chia sẽ với cô lúc này? Cô buồn và ê chề cho bản thân mình, sợ về cha mẹ biết chuyện rồi nghĩ sao về đứa con gái ông bà cho là ngoan ngoãn? Còn phần ông chủ khi về đến nhà bị vợ con quản thúc về kinh tế, ông chả nói được gì, một phần lớn nữa bỗng chốc ông mất đi người tình bé nhỏ, khiến ông âu rầu mà tìm đến hơi men..Ông miệt mài ăn nhậu từ sáng đến tối. Ông không thiết gì công việc nữa. Một hôm nhậu say trên đường về ông đã đâm thẳng vào chiếc xe tải lớn đi cùng chiều. Người ta trên đường đưa ông vào bệnh viện cấp cứu, mà nghe ông luôn lẩm bẩm những câu ; " Xin lỗi bà và các con...xin lỗi em Hân ơi!". Chưa kịp vào bệnh viện ông đã trút hơi thở cuối cùng. Vợ ông và các con đau xót ông vô bờ, và càng hận kẻ họ cho là thủ phạm là Hân. Khi ma chay ông xong họ cùng nhau kéo đến đánh hội đồng Hân một trận tơi bời nữa.  Cô gái nhỏ nhắn đau khổ lại càng chồng chất nỗi đau hơn.

       Tấm thân bầm dập, ê ẩm cô cứ khóc, những giọt nước mắt lăn dài cũng chẳng thèm lau khô. Khóc để tủi cho mình, khóc để tiễn đưa người tình, cô muốn đến mộ người tình thắp nén nhang mà cũng không dám. Nỗi đau xác thịt và nỗi đau trong lòng khiến cô như một kẻ vô hồn chỉ biết làm bạn với nước mắt. Lan một đứa bạn thân của cô cùng phòng, cùng lớp rất cảm thương cho hoàn cảnh của Hân lúc này, Lan đến bên Hân động viên Hân rất nhiều. Lan là một trong những người bạn duy nhất cô Hân lúc này, những đứa bạn hay ai biết cô, giờ trong mắt họ cô là kẻ tội đồ, là kẻ ham tiền bạc đi cướp chồng người khác. Hân cứ ôm lấy Lan mà khóc, những lời cô muốn nói ra giờ sao cứ nghẹn lại và bật lên thành tiếng khóc?

       Vài tháng sau với sự động viên của Lan cô đã một phần nào lấy lại tâm lý ổn định. Đi cùng Lan trên tay bó hoa đến nghĩa trang, Hân nghẹn ngào thắp cho người tình mình những cây nén nhang ngào ngạt hương thơm và thoang thoảng vị của nước mắt. Hân nhìn xa xôi, cô thấy nỗi hận của mình giờ thành một gì đó nhớ thương, da diết lắm. Hân lại nhớ về ông chủ mình, người mà cô đã trao cả trinh trắng một đời con gái, người mà cô giờ muốn gặp thôi cũng chỉ có trong mơ. Cô thầm nói trong lòng, "giá như giờ có thề gặp anh, em chỉ cần thấy nhìn anh thôi, em không đòi hỏi gì nữa, em đã yêu anh ...yêu lắm". Hân lại ngước nhìn xa xôi nước mắt cô lại tìm về. Lan lại dìu từng bước nặng nề của Hân mà ra về.

       Không hiểu sao cô lại có nghị lực với những lời khuyên chân tình của cô bạn thân là Lan. Một phần là những lá thư thấm đượm yêu thương của cha mẹ, qua nét chữ nắn nót của thằng em còn trung học của mình. Cha mẹ cô một đời chất phát, ít học. Nên ông bà dồn hết tâm tư và nhiệt huyết muốn cô ăn học và có công việc đến nơi đến chốn, để ông bà con nở mặt nở mà với bà con lối xóm, với dòng họ. Những điều đó là động lực cho Hân bước đi đến lại mái trường. Quên đi những nỗi buồn chất chứa trong lòng. Và cô tự hứa với chính mình, cùng Lan và cha mẹ từ đây sẽ cố gắng.... Nhưng ông trời vẫn thế thích trêu lòng người? Hai tháng sau Hân thấy mình khó chịu và hay buồn nôn, người bỗng tăng cân lên. Lan đưa Hân đến bác sĩ khám và được bác sĩ cho hay, Hân đã có thai gần bốn tháng trời rồi...

       Cô ngồi bệch xuống hiên ghế đá, cô khóc như một trận mưa nước mắt. Ngay cả ông trời cũng như thương xót cho tấm thân tội nghiệp của cô gái bé bỏng hay sao, mà ông đổ ngay cơn mưa ào ào. Hân ngồi thừ dưới mưa, nước mắt và nước mưa hòa lại thành vị mặn đắng chát cho đời cô gái trẻ. Lan cũng không cầm được nước mắt, đôi bạn ôm nhau khóc sụt sùi dưới mưa...Lan khuyên Hân nên phá bào thai đi chứ không kịp. Hân do dự nói trong nước mắt, là để về suy nghĩ rồi mai cùng Lan đi... Đêm ấy cô không ngủ được cứ khóc và khóc. Một lúc mệt quá cô chợp mắt thì trong giấc mơ, cô thấy một đứa bé rất dễ thương níu lấy chân cô và gọi "Mẹ", nó nói "Mẹ ơi! đừng bỏ con". Hân choàng tỉnh dậy, cô lau những giọt mồ hôi và nhìn xuống cái bụng mình. Cô giờ mới nhận ra là có một dòng máu gì đó ấm áp đang chảy trong bụng mình. Cô lại nhìn xa xôi, thầm nói trong lòng "Mình là kẻ có lỗi chứ không phải con của mình?".

     Sáng ra Lan tới và hối Hân đi mau. Nhưng Hân lại ngồi thừ ra, Hân bắt đầu nói trong nước mắt với Lan, là cô muốn giữ lại đứa bé?. Lan nhất quyết không chịu và khuyên Hân đủ điều:

-Mày ngu vừa thôi chứ Hân? Nếu để đứa bé ra đời thì ai nuôi nó đây? Nó cần có cha lẫn mẹ. Còn việc học và tương lai mày thì sao? Cha mẹ mày và gia đình sẽ thế nào khi biết chuyện, mày muốn cha mẹ mày buồn mà chết sớm hả Hân? Đứa bé nó không có tội nhưng nó là oan nghiệt Hân ơi....!

Nghe Lan nói mà lòng cô nhói đau. Hân không biết nói gì với Lan nữa? Lòng cô lúc này rối bời. Thuyết phục đến chiều Hân cũng chịu theo Lan. Đến một chỗ nạo phá thai tư nhân, sâu trong một con hẻm cách xa thành phố. Trên mặt cô hiện nỗi buồn u uất, nhưng cô cảm thấy tội cho Lan, nó là người thân duy nhất của cô lúc này. Hân bước vào và gặp bác sĩ, khi đã rõ những điều vị bác sĩ kia nói. Lan dìu Hân vào phòng để bác sĩ làm việc. Đi ngang thấy một người đẩy một chiếc xe qua ngang, Hân liếc nhìn thì thấy rõ ràng một hình hài nhi đỏ hỏn vừa lấy ra từ bụng một bà mẹ nào đó trong kia, họ đã giết chết hài nhi này và đưa nó quẳng ở một hố rác nào đó. Hân chợt nhớ đến giấc mơ mình hôm qua. Hân như điên loạn, cô tung khỏi tay Lan và chạy đi ra khỏi nơi đó, Hân cứ chạy và cô thấy chiếc xa tải ở đằng trước. Hân định lao thẳng vào chiếc xe đó. May thay tài xế chú ý và thắng gấp lại, Hân lao vào chỉ xây sát nhỏ và chảy máu đầu. Lan hoảng hốt chạy theo, trên mặt Lan không còn giọt máu. Lan lại khóc bên Hân, nắm tay Hân và cứ nói "khổ mày quá Hân ơi!". Hân tỉnh và cứ nói với Lan:

-Lan ơi! đừng bắt tao giết con tao, tao muốn nó ra đời, tao sẽ cố làm nuôi nó mày ơi....!

Lan lúc này đã biết rằng không thể khuyên gì Hân nữa. Cô đành lau nước mắt, bậm môi gục đầu với Hân. Từ đó Hân không đi học nữa và với sự chăm sóc của Lan, Hân thấy có gì đó gọi là chút vui khi biết đứa con trong bụng mình càng ngày càng lớn và nó sắp chào đời, nó sẽ cho cô những tiếng khóc trẻ thơ, rồi một ngày nó sẽ theo bên cô cất tiếng nói "Mẹ ơi". Lan cũng thấy Hân có chút vui, nên cô cũng nhẹ lòng. Lan khuyên Hân nên nói thật với cha mẹ mình lúc này và về với gia đình. Hân nghe những lời khuyên chân tình của bạn mà mạn dạn hơn, nhưng đôi tay vẫn run khi cầm cái điện thoại gọi về cho mẹ, cô vẫn tuôn những dòng nước trên đôi mắt xưng húp của mình:

-Mẹ hả mẹ....

-Alo! Hân hả con, con sao mấy nay không gọi điện thoại về cho nhà vậy con? Cả nhà cứ chờ điện thoại của con mà mất ăn, mất ngủ con đó Hân à!

Hân nghe mẹ nói thế cô lại cứ nấc lên nghẹn ngào, không nói thành lời được. Bên đầu dây kia bà mẹ nghe tiếng con gái khóc, bà cũng bật khóc theo hỏi dồn:

-Sao vậy con gái ngoan của mẹ, có chuyện gì vậy con? Nói mẹ nghe đi con...Dù bất cứ chuyện gì cha mẹ vẫn bên con mà, cha mẹ không bao giờ bỏ con đâu Hân ơi, con ơi!

Hân nói chuện với mẹ nghẹn ngào trong tiếng khóc, hai mẹ con tuy cách xa nhưng cảm thấy nỗi đau của nhau. Hân đã nói thật ra cùng gia đình, cha mẹ Hân nghẹn ngào thương tiếc cho đứa con gái ngây thơ, khờ dại của mình mới chập chững bước vào đời. Ông bà không hề trách mắng và không ngớt lời khuyên Hân về nhà để chờ ngày lâm bồn. Ông bà hứa với nhau sẽ nuôi và yêu thương đứa cháu ngoại này. Vầng trán suy tư lại có thêm nếp nhăn nữa về với đôi vợ chồng già miền thôn quê lam lũ này.

       Hân nghẹn ngào chào Lan để về quê. Lan nắm tay Hân dặn dò đủ điều, và cũng không quên che dấu những giọt nước mắt. Hân cảm kích cô bạn vô cùng, thầm hứa sẽ sống tốt mai này ẵm con lên chào Lan, cô mong mai này có dịp trả được ân tình của Lan đã dành cho cô. Hân lại nhìn xa xăm, thấy đằng sau những áng mây đen kia có một gì đó là tia sáng. Cô hi vọng tìm sẽ tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời với đứa con còn đang trong bụng cô. Đứa con của cô, đứa con không cha.

         Hân đang mê man về những gì xảy ra hôm qua, chợt anh tài xế nói: "Cô ơi tới bến xe Miền Tây rồi". Hân chợt tỉnh và đưa tiền cảm ơn tài xế, rồi lấy hành lý xuống xe, chuẩn bị về lại nơi cô từng lớn lên bên người cha thân thương, bên người mẹ yêu dấu của cô. Nơi cho cô những tháng ngày êm đềm và nên thơ. Chứ không phải đất Sài  Gòn lệ đổ này, nơi mà cô niếm vị chát chua đầu đời, nơi mà cô phải nếm những nhục nhã ê chề của những ngày bồng bột theo sự đam mê của mình. Hân lên xe và đưa tay xoa bụng thầm nói "Về nhà mình nghe con". Cô lại ngoái đầu nhìn lại như thầm thốt lên : "Chào Sài Gòn, chào nhé người tình" ./.
                                                                                                                      Nguyễn Hải (Sài Gòn 30/11/2010)

Trang thư xa nhớ!


   http://www.phathoc.net/UserImages/2010/02/28/1/fantasy18_jpg_jpg.jpg     
Em yêu quý!
        Sài Gòn 22/11

Đêm nay trời Sài Gòn gió mát quá! Trên những ánh đèn vàng vọt của phố thị, dường như chúng ngã nghiêng theo một bản nhạc nào thật lãng mạn và du dương. Thời khắc này cũng không gì là dị thường để anh phải thốt lên tiếng lòng mình gửi về em? Nhưng từ tối qua lúc 0h01p điện thoại anh đã báo là ngày Sinh Nhật em. Ôi! Ngày 22/11 ngày em của anh chào đời, mang theo theo tiếng khóc, tiếng cười của một người con gái đẹp, kiêu sa xuống trần. Em ạ! Trang thư này không có những đóa hoa đẹp lộng lẫy, không có những tờ thiệp đính những phù hiệu huy hoàng... Nhưng trang thư này có cả tấm lòng anh, có cả một trời thương nhớ và bao kỷ niệm được nhồi nhét vào con chữ vụng về anh gửi đến em. Anh trân quý chúc em sinh nhật vui vẻ! Thêm tuổi chúc em thành công hơn, dù em đã rất thành công nơi đó rồi. Chúc em sức khỏe và niềm an lành từ tay Chúa, em nhé!

Em biết không trong mỗi đời sống con người luôn hiện hữu những kỷ niệm không thể nào quên. Em chính là những kỷ niệm bất tuyệt của anh chốn đây. Nơi em sống là một thành phố kiêu kỳ với những bản nhạc opera bất hũ, với những hàng cây cao vút bóng mây trời. Nơi em đó là mùa đông lả lơi cùng bông hoa tuyết bay bay, có những con Bồ Câu xinh xắn líu lo bước em về. Còn em biết không, hỡi người em xa nhớ? Chốn đây Sài Gòn hoang vắng quá! Ngoài kia phố thị dường lên đèn. Sau khung cửa nhìn trời, miền Nam một dải mây buồn em ơi! Không! Chẳng phải cảnh vật trước anh buồn, mà nó buồn cùng anh...!

Anh đưa tay lấy giấy, kết thành một con Hạc. Con Hạc giấy nhỏ nhoi trong bàn tay anh, nó không kiêu sa như những con Thiên Nga trắng muốt bay trên vùng trời kiêu hãnh. Con Hạc bé nhỏ vô tri vô giác, nhưng nó vẫn có linh hồn. Linh hồn nó là ở cái tâm ta, cái tâm không bào mòn bởi những mưa giông gió, bão của cuộc đời. Nếu anh là một họa sĩ tài ba, anh dùng cái tâm để vẽ chân dung em thành một bức họa tuyệt vời. Nếu anh là một nghệ sĩ dương cầm thật thụ, lúc nãy anh sẽ khẫy nên những bản nhạc say mê nhất trần đời. Nhưng than ôi! Anh chỉ là một người bình thương đang nhớ mông lung một cô em gái mỹ miều, trong ngày sinh nhật em...ở tận nơi chốn xa xôi này? 

Ngày mai anh sẽ đi qua con đường cũ. Nơi những kẻ hò hẹn nhau rồi, lại quên tới? Lời hẹn cho ngày mai, lời hoài vọng, lời hứa cho ta cho người. Ai sẽ bản lĩnh làm được em nhỉ? Anh một chàng trai mộng mơ và ngông đời nguyên thủy tới giờ, cảm thấy nhỏ bé trước câu nói lớn lao kia từ chính đầu môi mình. Thiết nghĩ người ta có thể nói trăm lời hoa mỹ, êm tai nhất, du dương nhất có thể ru một con mèo khờ ngủ thiếp. Lời nói mê hoặc có thể như một bông hoa ngát hương mà quyến rũ cả trăm con bướm đa tình. 

Anh vẽ tình yêu bằng những gam màu của cuộc sống. Màu vàng vọt hanh hao cho những ngày nhớ thương. Màu hồng mê ly cho những phút cầm tay em cười, cho những ngày vui bất tận. Màu đen cho những đêm say mèm đau đáu cuộc tình đi qua, không ngoảnh lại bằng giọt lệ chia ly? Hay màu thơ ủy mị và ướt át của đời thi nhân phiêu bạt? Không em thương nhớ ạ! Anh vẽ tình yêu bằng chính trái tim mình. Trái tim thổn thức những nhịp vắn dài len vào hơi thở của tháng ngày. Tình yêu là món quà của Thượng Đế ban tặng cho con người. Tình yêu được cất lên bằng giọng êm đềm nhất, và đặc biệt nó không được thốt lên bằng lời, bằng con mắt mê si, bằng đôi môi nồng cháy những khi trao hôn. Mà là bằng trái tim và trong tâm khảm mỗi con  người. Em ạ! Hình như anh nghe tiếng gió khẽ về gọi tên em?

Đêm nay anh sẽ cao tay rót chén rượu nồng. Cạn uống trên vành môi nhớ thương, anh sẽ say lả lướt qua miền hư thực của mối kỳ tình này. Cảm giác say để im lặng vào giấc ngủ, một giấc chiêm bao cho cái tơ tưởng của mối tình hòa bình, không đua chen giựt dọc với nhớ thương. Như vậy cuộc sống còn bao ý vị, phải không em? Đêm nay trăng sẽ lên, ánh trăng trần truồng xuyên thủng niềm yêu mị chốn đồng hoang này. Đêm tàn, rồi mặt trời ửng đỏ phía đằng đông, báo hiệu một ngày nữa cho sự khát vọng, cho những gì mình nói hôm qua chưa kịp thực hiện. Hôm nay anh rất vui. Vì ngày này, năm ấy Thượng Đế đã ban em cho thế gian và anh may mắn biết em, được cầm tay em nói lời yêu thương nồng cháy hôm nào? Dù thời gian đó không là bao, nhưng đủ cho anh nếm bao dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay. Anh cảm ơn em nhé nụ cười, cảm ơn em nhé ánh mắt, của một trời kỷ niệm và thương nhớ! Em hỡi em! Kìa vùng trời hừng đỏ những tia sáng yêu thương.

Lời chúc sinh nhật này không phải để tô hồng thêm lời yêu thương anh gửi về em. Nhưng nó biết đâu là một phần góp lên niềm vui trên môi em cười. Dù chỉ một lời anh bé nhỏ nhất. Sinh nhật vui nơi đó em nhé! Tặng em những đóa hồng tươi, anh hái trên vùng yêu mến và chân thành nhất gửi về em!

Niêm Luật Thơ Đường Luật


Niêm Luật Thơ Đường Luật

Cách Gieo Vần, Nguyên Tắc Đối, Luật Bằng Trắc và Cách Họa

Thơ Đường Luật còn có những tên gọi khác nhau như: Thơ Đường, Đường Thi, Thất Ngôn Bát Cú và Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật. Thơ Đường Luật có 2 loại: Tứ Tuyệt (tức mỗi câu có 7 chữ và mỗi bài có 4 câu) và Bát Cú (tức mỗi câu có 7 chữ và mỗi bài có 8 câu).

A- Thể Thất Ngôn Bát Cú

I- Cách Gieo Vần: Thơ Đường Luật có luật lệ nhất định của nó, bạn không thể biến chế một cách khác được. Cách gieo vần như sau:
- Suốt bài thơ chỉ gieo theo một vần mà thôi. Ví dụ: Vần ơi thì đi với ơi, vần tâm thì đi với tâm hoặc tầm.
- Trong bài thơ có 5 chữ vần được gieo ở cuối câu đầu (câu số 1) và ở cuối các câu chẵn (2, 4, 6 và 8). Ngoài việc các chữ cuối của câu 1,2,4,6,8 phải cùng một vần ra, cả 5 chữ mang vần đó phải khác nhau, trừ khi cùng chữ nhưng khác nghĩa (Ví dụ: dặm trường và mái trường or trái mơ và giấc mơ…)
- Gieo vần thì phải hiệp vận (tức cho đúng vận của nó). Ví dụ: hương, thương, trường... Nếu gieo vần thưa với thây thì bị lạc vận. Còn nếu gieo vần không hiệp với nhau thì gọi là cưỡng vận hay ép vận, chẳng hạn như: in với tiên.

II- Nguyên Tắc Đối: Các câu đối với nhau phải thật chỉnh, cả về ý, tình, và thể loại từ ngữ, v.v... Thể loại từ ngữ tức tính từ phải đối với tính từ, danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ, v.v...
Trong bài thơ có 4 phần: Đề (gồm có Phá đề và Thừa đề ) Thực hoặc Trạng, Luận, và Kết.

1. Đề gồm có hai phần:
- Phá đề (câu thứ 1):
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
- Thừa đề (câu thứ 2):
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

2. Thực hoặc trạng (câu thứ 3 và câu thứ 4): Hai câu này phải đối với nhau.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Ghi chú: Lom khom đối với lác đác (trạng tự ) và bằng đối với trắc. Tiều đối với chợ (danh từ ) và bằng đối với trắc. Chú đối với nhà (danh từ ) và trắc đối với bằng.

3. Luận (câu thứ 5 và câu thứ 6): Luận có nghĩa là luận bàn. Hai câu này bàn bạc
thêm về nội dung của bài thơ, về phong cảnh hay về tình cảm. Hai câu này phải đối với nhau.

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia

Ghi chú: Nhớ đối với thương (động từ ) và trắc đối với bằng. Nước đối với nhà (danh từ ) và trắc đối với bằng. Đau lòng đối với mỏi miệng (trạng từ ) và bằng đối với trắc. Con quốc quốc đối với cái gia gia (danh từ ) và trắc đối với bằng.

4. Kết (câu thứ 7 và câu thứ 8): Hai câu kết không nhất thiết phải đối nhau, nhưng phải giữ luật bằng trắc.

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta

(Qua Đèo Ngang—Bà Huyện Thanh Quan)

Ghi chú: Dừng chân là vần bằng đối với một mảnh là vần trắc; đứng lại là vần trắc đối với tình riêng là vần bằng; nước là vần trắc đối với ta là vần bằng.

III- Luật Bằng Trắc: Luật Bằng Trắc gồm có Thanh, Luật, và Niêm.

1. Thanh-Gồm có Thanh Bằng và Thanh Trắc.

a) Thanh Bằng-là những tiếng hay chữ không có dấu (như: minh, lan, thanh, trinh...) và những tiếng hay chữ có dấu huyền (vi’ dụ như: mà, hoàng, thành, trình...)

b) Thanh trắc-Là những tiếng hay chữ có dấu sắc (') dấu hỏi (?) dấu ngã (~) và dấu nặng (.). Ví dụ: Nhớ, tưởng, lữ, vọng …

2. Luật-Thơ bát cú làm theo hai luật: Luật Bằng và Luật Trắc.

a) Luật Bằng: Chữ thứ hai ở câu đầu thuộc vần Bằng. Ví dụ:

Vu vơ dạo bước ngắm trời xinh

Luật Bằng Vần Bằng-Cách dùng mẫu tự và viết tắt như sau: B = Bằng, T = Trắc và V = Vần. Luật Bằng Vần Bằng như sau:

1. B B T T T B B (V)
2. T T B B T T B (V)
3. T T B B B T T
4. B B T T T B B (V)
5. B B T T B B T
6. T T B B T T B (V)
7. T T B B B T T
8. B B T T T B B (V)

Ví dụ:

Mời cô đến với góc vườn thơ
Khánh tiếng lung lay gót nhẹ chờ
Thi vận mực tươi hoa khẽ hé
Hoạ âm giấy liễng nhạc đường tơ
Nghe mưa tí tách buông màn khói
Thử gió vi vu thoảng giấc mơ
Một cách gieo hồn đùa lãng tử
Bài này chớ để ngó chơ vơ
(Nhã Uyên)


b) Luật Trắc: Chữ thứ hai ở câu đầu thuộc vần Trắc. Ví dụ:

Luyến nhớ trời quê buổi nắng vàng

Luật Trắc Vần Bằng-Luật Trắc Vần Bằng như sau:

1.T T B B T T B (V)
2.B B T T T B B (V)
3.B B T T B B T
4.T T B B T T B (V)
5.T T B B B T T
6.B B T T T B B (V)
7.B B T T B B T
8.T T B B T T B (V)

Ví dụ:

Văng VẲNG tai NGHE tiếng KHÓC gì?
Thương CHỒNG nên KHÓC tỉ TÌ tị
Ngọt BÙI, thiếp NHỚ mùi CAM thảo,
Cay ĐẮNG, chàng ƠI, vị QUẾ chị
Thạch NHŨ, trần BÌ, sao ĐỂ lại,
Quy THÂN, liên NHỤC, tẩm MANG đị
Dao CẦU, thiếp BIẾT trao AI nhỉ?
Sinh KÝ, chàng ƠI, tử TẮC quỵ

(Bà Lang Khóc Chồng—Hồ Xuân Hương)

Chú Thích: Những chữ CAPITALIZED (chữ thứ 2, 4 và 6) đều phải theo đúng luật, còn những chữ khác (trừ chữ ở cuối câu) có thể không cần phải theo luật. Mẹo để nhớ:

Nhất (chữ thứ 1), tam (chữ thứ 3), ngũ (chữ thứ 5) bất luận
Nhị (chữ thứ 2), tứ (chữ thứ 4), lục (chữ thứ 6) phân minh

Nghĩa là chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm không kể (bất luận), tức không nhất thiết phải theo đúng luật; còn chữ thứ hai, thứ tư và thứ sáu thì bắt buộc phải theo luật (phân minh). Nếu không theo luật thì gọi là thất luật.

3. Niêm-Những chữ phải đi cặp với nhau và dính với nhau

Ví du: Luật Bằng

Câu 1 niêm với câu 8
1.B B T T T B B (V)
8.B B T T T B B (V)

Câu 2 niêm với câu 3
2.T T B B T T B (V)
3.TT B B B T T

Câu 4 niêm với câu 5
4.B B T T T B B (V)
5.B B T T B B T

Câu 6 niêm với câu 7
6.T T B B T T B (V)
7.T T B B B T T


Ví dụ: Luật Trắc

Câu 1 niêm với câu 8
1. T T B B T T B (V)
8. T T B B T T B (V)

Câu 2 niêm với câu 3
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T

Câu 4 niêm với câu 5
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T

Câu 6 niêm với câu 7
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T


Cũng có trường hợp nhà thơ làm sai luật, thay vì đang ở Luật Bằng thì lại đổi sang Luật Trắc. Vì Niêm không đi với nhau nên gọi là Thất Niêm.
Ví dụ: Dùng bài thơ Cảnh Làm Lẽ (Lấy Chồng Chung) của Hồ Xuân Hương (đúng niêm luật) để đổi sang thất niêm (xem chữ thứ 2 CAPITALIZED):

Kẻ ĐẮP chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém CHA cái kiếp lấy chồng chung!
Năm THÌ mười họa, nên chăng chớ,
Một THÁNG đôi lần, có cũng không...
Cố ĐẤM ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm BẰNG làm mướn, mướn không công.
Thân NÀY ví biết dường này nhỉ,
Thà TRƯỚC thôi đành ở vậy xong.

Đổi thành thất niêm:

Kẻ ĐẮP chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém CHA cái kiếp lấy chồng chung!
Cố ĐẤM ăn xôi, xôi lại hỏng *** (thất niêm) ***
Cầm BẰNG làm mướn, mướn không công.
Năm THÌ mười họa, nên chăng chớ,
Một THÁNG đôi lần, có cũng không...
Thân NÀY ví biết dường này nhỉ,
Thà TRƯỚC thôi đành ở vậy xong.

Chú ý: Dù chỉ đặt sai có một câu (câu thứ 3) nhưng bị thất niêm toàn bài thơ. Thế mới biết luật thơ Đường khắt khe biết dường nào!

Khi làm thơ Đường Luật thì phải giữ cho đúng niêm luật. Nếu không, dù bài thơ của bạn có nội dung hay mấy đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được.

Như đã nêu ra ở trên là các câu đối với nhau phải thật chỉnh. Có điều là không bắt buộc phải từng chữ một đối nhau mà có thể đối theo cụm từ. Nếu 3 chữ tạo thành nhóm danh từ (ở câu 3 chẳn hạng) thì ở câu 4 cũng dùng 3 chữ cùng nhóm để đối lại

Ví dụ

Ngày vương mãi nhớ hương tình cũ
Tháng quyện hoài mong bóng dáng xưa

(Trích "Xóm Tịnh Chiều Luyến Nhớ"—Vân Hạc)

Ngày (danh từ, bằng) đối với tha’ng (danh từ, trắc)
vương (động từ, bằng) đối với quyện (động từ, trắc)
mãi (phó từ, trắc) đối với hoài (phó từ, bằng)
nhớ (động từ, trắc) đối với mong (động từ, bằng).
hương tình cũ (cụm danh từ) đối với bóng dáng xưa (cụm danh từ)


B.Thơ Tuyệt Cú

Tuyệt cú theo nghĩa đen là ngắt câụ Là một thể thơ bốn câu (còn gọi là tứ tuyệt), có thể là cổ phong hoặc thơ luật, nhưng ý tứ, ý nghĩa phải trọn vẹn, sâu sắc. Cũng phải có mở có kết, có thể hiện nội dung chủ đề mình định nói

Ví dụ:

Chim buồn lẻ bạn chốn thâm sơn
Cánh ngã chao nghiêng ngắm nguyệt thường
Én lạc cô phòng thương nắng hạ
Diều đây lẻ phận nhớ thu đơn
(Nguyễn Duy)

Lối làm thơ tuyệt cú có thể tuân theo luật bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối của ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Ở thể cổ phong, thơ tuyệt cú càng rộng rãi hơn, các câu thơ không cần đối, không phụ thuộc luật bằng trắc, miễn là ý tứ sâu sắc, lời đẹp, giầu âm điệu ...


Phong Kiều Dạ Bạc (Trương Kế )

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền


Đêm thuyền đậu bến Phong Kiều (Bản dịch của Tản Đà)

Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.



IV-Cách Họa Đường Thi:

Cao nhất trong Đường Thi là họa thơ với người khác. Khi họa một bài Đường Thi, người họa phải dùng lại các từ mang vần (chữ cuối của câu 1,2,4,6,8) của bài thơ muốn họa (gọi là bài XƯỚNG) và diễn tả theo ý thơ của mình. Bài họa nằm trong 3 loại tiêu biểu: Hoạ Vần, Họa Vần Đối Luật và Họa Nguyên Vận.

1) Họa Vần: Dĩ nhiên bài HỌA phải dùng lại vần của bài XƯỚNG, nhưng luật có thể thay đổi và ý nghĩa của bài Họa hoàn toàn khác với bài XƯỚNG.

Ví dụ như trong trường hợp VH dùng vần bài “Nhớ Nhà” của Bà HTQ để làm bài “Cảnh Vật Ngày Xuân”


Nhớ Nhà (Bà HTQ—Xướng)

Vàng tỏa non tây, bóng ác tà
Ðầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác, chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước càng ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là


Cảnh Vật Ngày Xuân (Vân Hạc—Họa vần)

Lụa thắm tung bay phất phới tà
Vườn hồng rực rỡ bướm vờn hoa
Xanh xanh khóm trúc xinh bờ dậu
Trắng muốt cành lê đẹp góc nhà
Trước ngõ mai đào chờ nắng xuống
Bên thềm cúc lựu đón sương sa
Hương trời sắc nước nên thơ quá
Cảnh vật ngày Xuân quả thật là…


2) Họa Vần Đối Luật: Như tên gọi, bài HỌA dùng luật trái với bài XƯỚNG. Nếu bài Xướng gieo theo Luật Bằng thì bài Họa đi theo Luật Trắc và ngược lại.

Ví dụ:

Xuân Hứng (Hàn Mặc Tử—Luật Bằng)

Non sông ngàn dặm ngắm càng xinh
Ừ tết năm nay thật hữu tình
Pháo nổ nổ tan luồng thất nghiệp
Xuân về về ghẹo khách ba sinh
Hoa tươi sánh với thiên kiều gái
Cảnh đẹp dường như thủy mặc tranh
Cao hứng đã toan cầm bút vịnh
Đào nguyên đâu lại thoảng qua mành


Xuân Mộng (Họa by Vân Hạc—Luật Trắc)

Cảnh vật khoe mình dưới nắng xinh
Kià Xuân đã đến đượm hương tình
Tưng bừng pháo nổ mừng hồi phục
Rộn rã lời chào chúc tái sinh
Vạn bướm hòa màu tô mộng cảnh
Ngàn hoa trải sắc vẽ mơ tranh
Bên song thiếu nữ cười duyên dáng
Cứ ngỡ bồng lai đứng tựa mành




3) Hoạ Nguyên Vận: Ngoài việc giữ cùng luật, bài họa phải có chủ đề và ý nghĩa giống như bài Xướng.

Ví dụ:

Trời Quê Luyến Nhớ (Xướng by Vân Hạc)

Luyến nhớ trời quê buổi nắng vàng
Đàn em hớn hở hát reo vang
Bờ xa thấp thoáng đò đầy chuyến
Bến cũ xôn xao chợ lắm hàng
Bát ngát nương dâu dài cuối xóm
Bao la ruộng lúa ngập thôn trang
Tha phương vọng mãi mùa Xuân trước
Viễn xứ miên man nỗi nhớ làng


NHỚ QUÊ XƯA (Hoạ by Bích Trân)

Đàn bướm vờn hoa dưới nắng vàng
Hè về phượng nở, giọng ve vang
Cành cây chim chóc gù xây tổ
Bến chợ thuyền ghe bốc dở hàng
Chán cảnh bon chen rời phố thị
Vui đời mộc mạc đến thôn trang
Quê người vẫn nhớ về quê cũ
Nhớ mái nhà xưa nhớ xóm làng





CÁC THỂ LOẠI TIÊU BIỂU TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Ngoài việc các câu 3,4 and 5,6 phải đối, thời bấy giờ các nhà thơ còn đưa ra các thể loại đặc thù, được coi như là những "xảo thuật" để chứng tỏ người viết giỏi về từ ngữ và tạo thêm sự gay cấn cho người họa . Dưới đây là một vài thể loại tiểu biểu thường thấy trong thơ Đường Luật .

1) Thủ Nhất Thanh: Là thể thơ trong đó từ đứng đầu các câu đều giống nhau.

Ví dụ:

Mừng đón xuân về, muôn sắc hoa
Mừng xuân,xuân mới, mới thêm ra
Mừng nghe nhựa sống, như còn trẻ
Mừng thấy đời tươi, chửa muốn già
Mừng khỏe đôi chân, đi đứng vững
Mừng tinh cặp mắt ngắm nhìn xa
Mừng nhau tuổi Thọ tăng tăng mãi
Mừng được trường xuân hưởng thái hòa

(Tám Mừng—Lạc Nam)


2) Thủ Vĩ Ngâm: Là thể thơ trong đó câu đầu (thủ) và câu cuối (vĩ) giống nhau..

Ví dụ:

Sông Hương da diết một chiều xưa
Mới đó mà nay đã mấy mùa
Nỗi nhớ xôn xao vờn gió thoảng
Niềm thương rạo rực quyện mây thưa
Chiều tà bóng ngả phai phai nắng
Đêm vắng trăng mờ lất phất mưa
Núi Ngự trông xa lầu vọng nguyệt
Sông Hương da diết một chiều xưa

(Bến Tương Tư—Gia Phong)


3) Vĩ Tam Thanh: Là thể thơ trong đó ba từ cuối trong mỗi câu có cùng cách phát âm.

Ví dụ:

Ta nghe gà gáy tẻ tè te
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè
Cây một chồi cao von vót vót
Hoa năm sắc nở lỏe lòe loe
Chim tình bè lứa kia kìa kỉa
Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè
Danh lợi mặc người ti tí tỉ
Ngủ trưa chửa dậy khỏe khòe khoe

(Ngẫu Hứng—Vô Danh)


4) Tiệt Hạ: Là thể thơ câu nào cũng bỏ lửng như bị ngắt bớt ở cuối câu nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc có thể hiểu được..

Ví dụ:

Thác bức rèm châu chợt thấy mà…!
Chẳng hay người ngọc có hay đà …!
Nét thu dợn sóng hình như thể …
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là …
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn …
Nết na xem phải thói con nhà …
Dở dang nhắn gửi xin thời hãy …
Tình ngắn tình dài chút nữa ta …

(Vô Danh)


5) Song Điệp: Là thể thơ mỗi câu đều có cặp điệp từ ở đầu hoặc cuối câu..

Ví dụ:

Vất vất vơ vơ, cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại, chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi

(Chuyện Đời –Nguyễn Công Trứ)


6) Thuận nghịch: Là thể thơ khi đọc xuôi hay đọc ngược đều có ý nghĩa và hợp vận.

Ví dụ:

Đọc xuôi:

Xa cách quê làng lại ghé thăm
Xát xơ vàng úa cỏ nghiêng nằm
Nhà hiên mái dột Bìm giăng kín
Ngỏ trước thềm loang Dậu phủ dăm
Tha thướt bóng Dừa hàng nối thẳng
Ngã nghiêng cành Trúc dãy liền tâm
Tà chiều quyện khói mờ thôn xóm
Xa vọng khoan hò ai hát ngâm …

Đọc ngược từ dưới trở lên:

Ngâm hát ai hò khoan vọng xa
Xóm thôn mờ khói quyện chiều tà
Tâm liền dãy Trúc cành nghiêng ngã
Thẳng nối hàng Dừa bóng thươ’t tha
Dăm phủ Dậu loang thềm trước ngỏ
Ki’n giăng Bìm dột mái hiên nhà
Nằm nghiêng cỏ úa vàng xơ xác
Thăm ghé lại làng quê cách xa …

(Trường Tương Tư)

***Sau đó bỏ hai chữ đầu mỗi câu đọc xuôi và bỏ hai chữ cuối mỗi câu đọc ngược sẽ trở thành thơ Ngũ Ngôn . Nếu tiếp tục bỏ bớt 1 hoặc 2 chữ đầu or cuối nữa, sẽ có những bài Tứ Ngôn hay Tam Ngôn Bát Cú. Nói tóm lại, một bài thơ làm theo thể Thuận Nghịch, nếu được chọn từ một cách khéo léo, sẽ đọc thành 8 bài Bát Cú! Đó là điểm độc đáo của Thể Thuận Nghịch!***


7) Liên Hoàn: Là thể thơ gồm nhiều bài Bát Cú liên kết với nhau, trong đó phần kết thúc của bài trên được lấy làm phần mở đầu cho bài kế tiếp.

Ví dụ:

Bao năm cách biệt Huế yêu ơi
Viễn xứ chiều buông nhạt tiếng cười
Vọng cảnh thương tình ngày lẻ bạn
Nhìn người luyến nghĩa buổi chung đôi
Sông Hương liễu rũ ôm tình nước
Núi Ngự thông reo trãi mộng đời
Cố quận sương mờ giăng chắn lối
Bùi ngùi lữ khách đếm sầu rơi

Sầu rơi cảnh vật nhuộm cô liêu
Rặng núi xa xa phủ ráng chiều
Ẩn hiện trời cao mây ảm đạm
Hoà lòng biển vắng sóng đìu hiu
Âm ba cuốc vọng lời kinh khổ
Réo rắt quyên ca điệu sáo diều
Đất lạ phong trần đời lữ thứ
Phiêu bồng vẫn giữ trọn lời yêu

Lời yêu thuở ấy tự tình trao
Ước hẹn tơ duyên thắm chỉ đào
Cứ tưởng men nồng hoà nhật nguyệt
Nào ngờ rượu đắng tách trăng sao
Cung đàn lổi nhịp dòng châu ứa
Tiếng hát buông lơi suối lệ trào
Mấy độ thu tàn mơ ảo giác
Tâm đầu ý hợp mộng hư hao

Hư hao một cõi vẫn hoài trông
Cách biệt sơn khê luống nghẹn lòng
Khắc khoãi người chờ nơi chốn ấy
Bàng hoàng kẻ đợi giữa tầng không
Cô phòng héo hắt thân nhi nữ
Gối chiếc tàn phai phận má hồng
Một thuở xa người sang xứ lạ
Hồn hoang chất chứa những ngày đông

(Vọng Cảnh Thương Tình Liên Hoàn Khúc—Vân Hạc)


8) Lưỡng Đầu Xà Nghịch Thiệt: Là thể thơ trong đó hai chữ cuối câu là cách nói lái của hai chữ đầu câu hay ngược lại.

Ví dụ:

Cai mô chả thấy hỡ cô Mai
Hồi bút hôm qua, nay hút bồi
Niếu đổ tường che vang nổ điếu
Thôi liên, cù cứa, hẹn Thiên Lôi
Vái sơ ông Địa cho vơ sái
Ngồi ráp bàn tiên lại ngáp rồi
Tánh thích đi tìm bao tích thánh
Đồi thanh, cảnh phật cũng đành thôi



Vân Hạc (biên soạn)

************
Tài liệu tham khảo:
-http://thothanhuu.tripod.com/tanmanuc/thoduongluat.htm
-http://thivien.maihoatrang.com/
-Cổ Thi Việt Nam
-Thơ Hồ Xuân Hương
-Thơ Bà Huyện Thanh Quan
-Thơ Hàn Mặc Tử

Gửi Thành!


 Gửi Thành!
                                                         Sài Gòn 14/11/2011

Tôi đang cầm tấm thiếp hồng ông gửi cho tôi đây. Tấm thiệp đẹp thật, một chiếc nơ hồng đính theo cùng đôi bồ câu trắng mới xinh làm sao? Hàng chữ nắn nót của ai đây? (Chắc không phải của ông rồi, chữ gà bới của ông làm gì viết được hàng chữ "Bạn Nguyễn Hải & Người thương" đẹp vậy?

) Tôi lại thầm cười, cái cười nhẹ nhàng thầm chúc phúc cho thằng bạn thân của mình, cái cười miên man nhớ lại thời xa xưa...Ừ cái thời 2 đứa bao chuyện mà nói Thành nhỉ? Tôi lại nghĩ xa vời, không phải nghĩ là cầm tấm thiệp ông trên tay mà thấy nặng tay?...Tôi nghĩ ngày mai bước sang trang cho một người, bước sang khúc ngoặc mới phải không Thành? Cuộc sống đã thay đổi, ông cũng đã đưa được Hà về dinh rồi. Chỉ còn mỗi tôi - Một Nguyễn Hải ngày nào ông luôn nghĩ bao giờ sẽ sớm chúc phúc cho tôi...nay tôi ngược lại chúc phúc ông trước...đời mà, nó là thế! Tôi lại cười, rót ly rượu hớp vào sao chua lè Thành ạ!

Thuở nào tôi và ông nhỉ? Hai thằng ranh ma nhất đám bạn, cái thời tôi xỏ vào đôi giày lãng tử, bên tay bao người đẹp, hào hoa với những lời thơ có cánh. Còn ông một gã luôn chúi mũi vào sách bài, học và học, một con "mọt sách" luôn nghĩ trong đầu ra cách kiếp tiền. Vậy mà hai thằng chơi với nhau thân thế không biết? Những đêm tôi buồn tình, uống rượu dưới trăng, ngâm thơ chán đời, ông ngồi nghe ngáp vắn dài...thật là cực hình phải không? Người ta nói trong cuộc sống cái gì cũng có thể thay đổi? Ừ đúng thật, ông là minh chứng cho sự thay đổi đó? Thành- Một doanh nhân tài ba và giàu có, nay có thêm vợ đẹp, giỏi giang nữa. Mai này sinh ra những đứa con bụ bẫm tô hồng cho ngôi nhà hạnh phúc. Tôi thật nghiêng mình chúc phúc ông!

Cuộc sống tôi nó khác ông nhiều, tôi không tham vọng với những thứ sa hoa ngoài kia. Cuộc đời tôi là một con chim tung cánh giang hồ, con chim ngạo mạn và ngông đời. Trên bước chân tôi đi không có những vòng hoa đính những phù hiệu, không có những thảm nhung che mắt đời bằng cái sáng óng hào quang. Đường tôi đi bên những gì giản dị nhất, bằng hạt cát bụi cuộc đời, bằng những nụ cười tươi rói dưới ban mai và héo rũ khi hoàng hôn về. Từ đây ông bỏ hết rượu ngon và gái đẹp đi, chung sống cuộc đời yên ổn và dựng xây gia đình hạnh phúc nhé! Lý lẽ ở đời có thể ông thán phục tôi, nhưng về cái thành công ở một thằng đàn ông, tôi lại phục ông. Công bằng mà nói chúng ta, 2 thằng bạn thân - 2 cá thể đối lập hoàn toàn.

Hôm đám cưới ông, tôi sẽ cùng ông say một trận đã đời. Ừ ta sẽ say cho quá khứ nó chìm vào quên lãng, ngày mai tỉnh mà quên đi ngày hôm qua. Mai này cuộc sống gia đình sẽ khó khăn hơn thời độc thân nhiều, không tự do bay nhảy với cuộc sống nữa. Ông cố gắng chan hòa mọi thứ nhé! Tôi cũng có biết gì chuyện gia đình đâu? Nhưng nghĩ sao khuyên vậy, cứ như ta nếm một ly nước lọc đi? Vợ cứ như ly nước "nước lọc" đó, luôn chan hòa, không mùi vị, không có gia vị, không có men say....nhưng nó cần thiết cho ta hằng ngày, nghĩ không có nước lọc trong ngày ta sao sống nổi? Còn ví như trăm đàn bà, con gái thời nay ấy? Như nước ngọt, như rượu bia có ga, có men say...nhưng chỉ thoáng qua một trận vui thôi? Ta có tiền, thì có thể dựng nên một cuộc vui, nhưng khốn nạn đường về chỉ duy mình ta ?

Tài hoa ở đời, trên những thứ phù phiếm cũng sẽ mai mọt thôi. Tôi từng ngông đời và rũ bỏ cả thế gian dưới chân mình. Nhưng được gì đâu ngoài cay đắng? Người phụ bạc thì lắm, kẻ chung tình thắp đèn mà đi kiếm khắp chợ? Cứ như những người bạn đời chúng ta, ngày mai ra sao thì vẫn mãi là tình bạn ngày hôm nay. Tôi luôn trân quý ông, quý một thằng bạn thẳng thắn biết nghĩ cho người khác, biết sống ở đời. Ngồi gõ cho ông mấy lời này mà tôi lại cười, không ngờ nay mình lại giở cái lời muôn thuở "sến" này ra trong mắt ông, mà tâm sự với thằng bạn lạnh lùng với con chữ lời văn? Nhưng tôi biết ông cũng sẽ đọc? Vì cha thằng nào luôn mồm nói thơ văn là nước chảy, mà luôn vào nhờ tôi rỏ thơ xuống tâm hồn khô cằn? Ừ cứ chan hòa Thành nhé! Lần nữa xin chúc phúc ông ngày mai hạnh phúc đến răng long- đầu bạc nhé ông bạn trân quý! Ngày mai, hẹn Sài Gòn ngã nghiêng dưới chân ta. À tôi còn quên nói câu này nữa : "Bài thơ cuộc đời tôi chưa viết xong Thành ạ!"