Bến Xưa (Lời bình của chị Kim Cúc)


P/s: Lời bình thơ của chị Kim Cúc ( Blog Gà Con). (Bến Cũ)


Hầu như suốt tuần nay, ngày nào trời cũng mưa gió. Con rạch  gần nhà bỗng hóa thành một dòng sông. Nhìn ngắm con- sông- hiện- thực- gần- nhà trong mùa đông tê tái, lòng bỗng tưởng đến những dòng sông kỷ niệm trong đời. Nhớ Thương.
Hôm nay vào trang blog màu tím của Nhà Thơ Nguyễn Hải. Ô hay, lại bắt gặp một dòng sông chảy qua miền thương nhớ.

 
  Hình chép lại từ trang blog Thơ Tình Nguyễn Hải

Đó là  dòng sông u hòai với bến vắng đò xưa:
                                   
                                Tôi sang gặp phải bến sông vắng đò.

Con đò xưa. Em đã đi đâu, về đâu? Ngay từ câu đầu bài thơ, mình đã thấy bàng hòang, thảng thốt với câu hỏi mà như  lời trách móc. 
                                                               
                                      Bảo rằng em chửa có chồng?  

Và rồi như không thể kềm được nữa. Thương yêu là mưa gió. Nước đã tràn bờ. Bao kỷ niệm ùa về, ùa về. Sông hình như cũng chẳng còn là sông nữa. Thành thác lũ đó rồi. Những  kể lể, nhắc nhở, tỉ tê cứ dồn dập tuôn . Bởi, có lẽ chẳng thể nào hiểu được, dòng sông hiền hòa mềm mại từng chảy qua đời ta giờ sao bỗng thành sương khói.  

                                     Này em má lúm đồng tiền 
                                   Sao em quên mất một miền nhớ nhung? 

Đọc câu thơ .Thấy trái tim mình như rạn vỡ. Phải, kỷ niệm càng ngọt ngào thì nay càng quá đớn đau. Này thì  má lúm đồng tiền. Này thì ngọt ngào ước hẹn. "Nên duyên một buổi hẹn hò."  Đi qua đời nhau, không nhớ gì sao người tình hỡi?  Để giờ đây đành "Vô duyên cúi mặt nỗi lo xứ phiền."
Nghe như có tiếng thở thật dài tựa gió tràn trên trên sông nước mênh mang. Lan dài, lan dài những thở than, trách móc, dỗi hờn...
                                  Trầu xưa thôi quấn buồng cau
                               Gỡ buông tóc rối gẫy màu chia ly
                                  Bến nay còn đợi chờ chi?
Cũng như bao người dân Việt khác, mình đã quen với hình ảnh của con đò,bến cũ; quen với làn điệu mộc mạc mà quá trữ tình của làn điệu thơ lục bát, của ca dao. Đò xưa Bến cũ là mô -típ quen thuộc của ca dao. 
Nhớ lại xem , cha ông ta cũng đã từng hẹn hò, thề thốt, trách móc...nhau qua từng câu ca dao dịu ngọt:         
                                    Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò
                                 Cây đa bến cũ con đò khác đưa.

Ở đây, cũng với thể thơ lục bát ngọt ngào của cha ông, Nguyễn Hải đã thổi chất trẻ trung,  hiện đại vào lớp vỏ dân gian thân quen đậm đà tình tự dân tộc. Vâng, cũng là hình ảnh con đò, cũng là hình ảnh bến cũ, cũng là câu thơ 6, 8, nhưng mới mẻ hơn. Bởi, đó là tình yêu của những người trẻ tuổi thời đại mới. Về điểm này, mình thấy đồng cảm với Nhà Thơ Phương Danh, khi anh  nhận xét về Nguyễn Hải với bài thơ này rằng, "Điều quý là dù trẻ nhưng anh vẫn giữ được hồn thơ truyền thống."
Mình lại bắt gặp hình ảnh một lãng tử tình si trên bến vắng:

                                     Bến nay còn đợi chờ chi?
                                Đìu hiu một Gã buồn gì nơi đây?

Vâng. Còn chờ đợi chi nữa. Đò xưa nay đã rẽ về lối khác. Người xưa? Không biết em đã theo chồng hay đã tìm cho mình những lối khác trên đường đời muôn vạn nẻo? Mây đến rồi đi. Mây bay ngang rồi bay qua. Chỉ bầu trời còn lại, thênh thang.
                             Tình xưa theo gío bám  mây về trời.             
Là một người  hay suy nghĩ vẩn vơ, thế nên mình cũng  đã ...vẩn vơ suy nghĩ khi đọc đến câu:

                                Em Hòang Lan ạ! Nhớ thay.....

Nhà Thơ là một kẻ tình si. Thì điều đó đã hẳn! Mà có lẽ nhà thơ nào cũng là kẻ si tình hết hay sao ấy nhỉ? Có thế mới có những vần thơ hay  cho đời. Theo cảm nhận riêng của mình, hơn ai hết, nhà thơ là những người càng phải biết yêu thương và trân quý cái đẹp. Khi Nhà thơ yêu, họ đẩy tình yêu đến chỗ tận cùng và khi đớn đau, cũng đẩy sự đau khổ đến cùng tận.

                                              Tương tư còn thấm lạnh lùng 
                                         Yêu đương có đượm một vùng thương đau.
Khi nhà thơ yêu,  người yêu của họ cũng được hóa thân diễm tuyệt  thành những Nàng Thơ (viết hoa).  Những nàng ấy càng thêm hư hư thật thật giữa đời và thơ. Vừa cụ thể vừa trừu tượng. Giữa cõi thực và mộng. 

"Bến Xưa" khép lại bằng khổ thơ 4 câu với hình ảnh dòng sông đã chẳng còn là dòng sông ước hẹn ngày cũ.  Sông đã trở thành biển khơi dữ dội với niềm đau gào thét:

                                     Con sông như hóa biển khơi
                                      Mi hoen lệ đổ tơi bời niềm đau.  
Đọc "Biển Xưa" của một Nhà Thơ trẻ và thấy ngập hồn những niềm đau xưa cũ. Đành thôi về đi. Sẽ chẳng còn gì chờ đợi ta trên bến thiên đường ngày cũ. Con sáo đã sang sông mất rồi.

                                        Thôi đành quay bước về mau
                                      Bến xưa rũ bóng từ lâu hỡi Nàng!



Mình chép lại cả bài thơ "Bến Xưa" của Nhà Thơ Nguyễn Hải ra đây.

                                    Bảo rằng em chửa có chồng?
                            Tôi sang gặp phải bến sông vắng đò
                                    Nên duyên một buổi hẹn hò
                             Vô duyên cúi mặt nỗi lo xứ phiền
                                    Này em má lúm đồng tiền
                              Sao em quên mất một miền nhớ nhung
                                    Tương tư còn thấm lạnh lùng
                               Yêu đương có đượm một vùng thương đau
                                     Trầu xưa thôi quấn buồng cau
                               Gỡ buông tóc rối gẫy màu chia li
                                      Bến nay còn đợi chờ chi?
                               Đìu hiu một Gã buồn gì nơi đây?
                                      Em Hòang Lan ạ! Nhớ thay....
                               Tình xưa theo gió bám mây về trời

                                      Con sông như hóa biển khơi
                                 Mi hoen lệ đổ tơi bời niềm đau
                                       Thôi đành quay bước về mau
                                 Bến xưa rũ bóng từ lâu hỡi Nàng!     
  
Bến Xưa. Gặp mình ở trong đó. Mình cũng đã từng mang theo trong đời những dòng sông riêng.  Những bến xưa ngày cũ. Cám ơn Nhà Thơ đã mở ra muôn lối cảm thụ cho người thưởng thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.